'Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền Hoàng Sa'
"Chúng ta phải thu thập, đưa ra bằng chứng có giá trị pháp lý cao nhất và tìm đến cơ quan tài phán quốc tế để đòi chủ quyền Hoàng Sa", nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục bày tỏ quan điểm vớiVnExpress.
> Chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước/ 'Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình'
*Ảnh: Dấu ấn chủ quyền Hoàng Sa |
Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 25/11 tại phiên chất vấn Quốc hội rất đúng mực và rõ ràng. Tuyên bố của Thủ tướng mặc dầu mang tính chất nguyên tắc nhưng hoàn toàn phù hợp với quá trình Nhà nước Việt Nam xác lập, thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý chứng minh sự xác lập chủ quyền, chiếm hữu thật sự, hòa bình ở quần đảo này.
Về luật pháp quốc tế có 2 yếu tố cấu thành quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vật chất và tinh thần.
Yếu tố vật chất nghĩa là có sự chiếm đóng, quản lý trên thực tế, nhưng yếu tố đó hiện nay không còn, dù trên thực tế ta đã thực thi từ thế kỷ 17. Tuy nhiên, yếu tố về mặt tinh thần thì Nhà nước Việt Nam, người Việt Nam không bao giờ để mất. Giai đoạn gay go nhất khi Trung Quốc đánh vào phía đông quần đảo Hoàng Sa năm 1956 thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối, sau này nhiều lần phản đối, đề nghị lên Liên Hiệp Quốc. Họ tổ chức ra các đơn vị hành chính, đưa quân ra giữ phía tây quần đảo.
Năm 1974 Trung Quốc đánh chiếm quần đảo thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đưa quân đội ra chiến đấu. Dù không giữ được họ vẫn lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao.
Bia chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa năm 1930. Ảnh tư liệu. |
Từ khi thống nhất đất nước đến nay, Việt Nam không bao giờ bỏ qua bất kỳ hành động nào của Trung Quốc động chạm đến Hoàng Sa. Tất cả hành động như đưa ra bản đồ đề tên Tây Sa, thành lập đơn vị hành chính quần đảo này thuộc đảo Hải Nam, tổ chức tour du lịch, cấm đánh bắt cá hằng năm... chúng ta đều phản đối.
Ý chí của Nhà nước, dân tộc đối với Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam luôn luôn được duy trì. Như vậy, về mặt pháp lý Việt Nam vẫn duy trì chủ quyền, không bao giờ từ bỏ.
Nhiều người nhắc đến Công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Chưa kể sự lợi dụng, thủ đoạn trong câu chữ của Trung Quốc về vấn đề này mà chỉ nói riêng về thẩm quyền thì chính quyền miền Bắc Việt Nam lúc đó không thể công nhận với Trung Quốc cái mà mình không quản lý. Theo Hiệp định Geneva thì chính quyền miền Nam Việt Nam mới là người quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Để đấu tranh giành lại chủ quyền một cách hòa bình, trước hết, ta phải liên tục có phản ứng, tuyên truyền rộng rãi với người dân trong nước và thế giới.Về mặt pháp lý, Trung Quốc đang tìm mọi cách giành được sự công nhận trên thực tế đối với hoạt động của các nước liên quan tới Hoàng Sa, kể cả Việt Nam. Ví dụ, người dân đánh cá bị lực lượng Trung Quốc bắt, yêu cầu ký biên bản vi phạm. Nếu ngư dân Việt Nam ký văn bản đó thì sau này trong quá trình đàm phán, giải quyết thông qua cơ quan tài phán quốc tế sẽ bất lợi.
Chính vì điều đó, cần phải nâng cao công tác tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục người dân. Cơ quan Nhà nước cần thường xuyên theo dõi để phản ứng lại những hoạt động của Trung Quốc, cổ vũ và nâng cao ý chí, sự kiên trì của người dân.
Đơn vị lính bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh tư liệu. |
Song song với việc đó, phải nghiên cứu tìm ra giải pháp, trong đó có giải pháp thương lượng song phương, đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế. Chúng ta cần chuẩn bị nội dung, nghiên cứu, để biết điểm mạnh của mình; khai thác điểm mạnh, tìm ra nguyên tắc pháp lý thông dụng nhất, có hiệu quả nhất để đấu tranh. Chúng ta phải đưa ra bằng chứng có giá trị pháp lý cao nhất và tìm đến cơ quan tài phán quốc tế.
Ngoài ra, trong hoàn cảnh tranh chấp hiện nay, chúng ta không được lơ là khi đàm phán về vấn đề "cùng khai thác chung". Việc này phải tiến hành trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982... chứ không thể hình thành vùng khai thác chung một cách bâng quơ, có tính chất lịch sử tạo ra vùng tranh chấp lớn, tạo điều kiện để Trung Quốc xí phần.
Chúng ta cần phải làm cho con cháu hiểu rõ trách nhiệm đối với vấn đề này cũng như để lại cho con cháu gia sản, tài sản quý giá là bằng chứng, công trình nghiên cứu khách quan và khoa học về chủ quyền của đất nước.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ hai quốc hội khóa 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình". "Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với Công ước Luật biển", Thủ tướng nói. |
Nguyễn Hưng ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét