Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011


Thứ Ba, 29/11/2011, 07:46 (GMT+7)
Toàn dân góp sức đòi lại Hoàng Sa
TT - Đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình là một việc lớn và lâu dài. Có rất nhiều việc phải làm và điều chắc chắn là phải huy động lực lượng và cần có thời gian. Đây chắc chắn phải là sự nghiệp toàn dân.

Các bạn trẻ Lý Sơn (Quảng Ngãi) tìm hiểu các hiện vật về Hoàng Sa tại Bảo tàng Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn - Ảnh: M.Thu
Bước đầu tiên trong việc đòi lại Hoàng Sa là để cho toàn dân thấy được sự thật và tạo điều kiện cho người dân tham gia sự nghiệp này.
Muốn vậy, trước hết cần công khai hiện trạng Hoàng Sa đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm cho toàn dân biết. Và ngày 25-11-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc này tại Quốc hội.
Báo chí - truyền thông không chỉ tường thuật một lần mà phải nhắc đi nhắc lại thường xuyên liên tục, để vấn đề đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình đến được với mọi người dân, tạo cơ sở cho toàn dân góp sức.
Trên thực tế, ngay từ khi Hoàng Sa vẫn còn bị cho là “vấn đề nhạy cảm”, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng cần thực hiện chiến lược 3C: Công khai - Công luận - Công pháp đối với tranh chấp biển Đông.
Có thể diễn giải chiến lược 3C này sơ lược như sau: trước hết, cần công khai hiện trạng tranh chấp biển Đông nói chung và Hoàng Sa bị cưỡng chiếm nói riêng, đồng thời công khai lập trường của các bên, công khai các sự kiện nghiêm trọng xảy ra cho toàn dân biết.
Từ đó, sử dụng công luận, mà cụ thể là báo chí - truyền thông, nói cho toàn dân và nhân dân thế giới biết sự thật về tranh chấp biển Đông, trong đó có việc Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 để đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông.
Trong cuộc đấu tranh này, vũ khí hòa bình nhưng sắc bén là công pháp, tức luật pháp quốc tế, các án lệ, Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông...
Như vậy có thể thấy việc sử dụng Công khai - Công luận - Công pháp như một số nhà nghiên cứu gợi ý để đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở biển Đông là một sáng tạo đáng ghi nhận, một bước cụ thể hóa của quan điểm coi việc bảo vệ chủ quyền biển đảo là sự nghiệp toàn dân.
Sẽ còn nhiều sáng kiến nữa được đưa ra khi thực trạng về tình hình tranh chấp biển Đông được công khai hóa và thảo luận rộng rãi dưới tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Với những kinh nghiệm quý báu của dân ta trong sự nghiệp giữ nước, chắc chắn việc đòi lại Hoàng Sa nói riêng và bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung bằng biện pháp hòa bình sẽ mang lại những kết quả mới nếu toàn dân được tham gia.
Đòi lại Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền biển đảo là sự nghiệp toàn dân.
Không thể khác.
GIÁP VĂN DƯƠNG
Chi ngân sách thường xuyên cho huyện đảo Hoàng Sa
Ngày 28-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Thanh - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho biết TP Đà Nẵng năm nào cũng chi ngân sách để các cán bộ chuyên trách huyện đảo này làm nhiệm vụ sưu tầm, trưng bày, giới thiệu hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa. Các tư liệu này được giới thiệu tại phòng trưng bày Bảo tàng Hoàng Sa (đặt tại trụ sở huyện Hoàng Sa, số 32 Yên Bái, TP Đà Nẵng).
Hoàng Sa là đơn vị hành chính cấp quận huyện thứ tám của TP Đà Nẵng và có tổ chức bầu cử. Trước đó tháng 3-2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc công nhận huyện đảo Hoàng Sa là một đơn vị bầu cử của TP Đà Nẵng. Huyện đảo Hoàng Sa cùng với huyện Hòa Vang và hai quận Hải Châu, Sơn Trà thuộc đơn vị bầu cử số 1 TP Đà Nẵng.
Trước đó Nhà xuất bản Thông Tin & Truyền Thông (Bộ Thông tin - truyền thông) đã họp với Hội đồng thẩm định trung ương do giáo sư Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - chủ trì để rà soát chuẩn bị lần cuối trước khi cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa được xuất bản vào cuối năm nay.
Theo ông Đặng Công Ngữ - chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa dày hơn 200 trang, gồm các phần: Hoàng Sa là của Việt Nam, Công tác quản lý nhà nước đối với huyện Hoàng Sa, Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử, Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa. Ngoài ra Kỷ yếu Hoàng Sa còn giới thiệu cho người đọc về vị trí địa lý, tầm quan trọng cùng những nội dung cơ bản của quá trình xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ trong lịch sử.
Điểm nổi trội của cuốn sách này là sự hiện diện của 24 nhân chứng sống từng có một thời làm việc tại Hoàng Sa trước năm 1974. Việc xuất bản cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân về bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc. Đồng thời cuốn sách còn nhằm bảo đảm tính khoa học, chuẩn xác và tính pháp lý để tạo lập niềm tin cho người đọc cũng như đấu tranh chống các luận điểm xuyên tạc không đúng sự thật về Hoàng Sa của Việt Nam.
Đ.NAM - H.KHÁ





Hệ thống hóa bằng chứng về Hoàng Sa, Trường Sa
Trong cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc và bảo vệ quần đảo Trường Sa, việc hệ thống hóa các bằng chứng để chứng minh rằng “quần đảo này là vô chủ vào thời điểm VN xác lập chủ quyền” và “VN thực thi chủ quyền liên tục” là hai vấn đề mấu chốt.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng ta đã làm chủ thực sự ít nhất từ thế kỷ 17. Chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình”. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ những cơ sở quan trọng nhất để xác định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa: xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ; thực thi chủ quyền liên tục trên thực tế và bằng biện pháp hòa bình.
Với việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, cuộc đấu tranh giành lại các phần biển đảo bị chiếm đóng đòi hỏi một chiến lược tổng thể và đồng bộ. Trong cuộc đấu tranh dài lâu này, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là yếu tố cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề thu thập tài liệu, bằng chứng.
Trong cuộc trao đổi mới đây với PV Thanh Niên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã giới thiệu một bộ sưu tập gồm hàng trăm bản đồ của Việt Nam và nước ngoài thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông nói: “Các tài liệu của Việt Nam, phương Tây, thậm chí chính tài liệu của người Trung Quốc ngày xưa đều ghi nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam. Mãi tới đầu thế kỷ 20, Trung Quốc mới bắt đầu tính đến việc đòi chủ quyền tại hai quần đảo này, nhưng các tuyên bố của họ rất mơ hồ, vô căn cứ”. Bên cạnh bản đồ, ông Đầu còn sưu tầm nhiều tài liệu lịch sử cũng như là tác giả của nhiều bài báo khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cho biết một số cơ quan chức năng của Việt Nam đã liên hệ với ông để tiếp cận những tư liệu quý giá này nhằm phục vụ công cuộc đấu tranh vì chủ quyền biển đảo. Việc hệ thống hóa các bằng chứng, nằm rải rác khắp nơi, là điều vô cùng quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa với thanh niên tại TP.HCM - Ảnh: Đỗ Hùng
Tư liệu thời Việt Nam Cộng hòa
Lâu nay, chúng ta thường đưa tin về việc phát hiện các tài liệu thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, những tài liệu của người Trung Quốc, người phương Tây đề cập tới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nghiên cứu để sử dụng hợp lý những tài liệu này là rất quan trọng. Bên cạnh các tài liệu “cổ xưa” như trên, chúng ta còn có một hệ thống tư liệu là các văn kiện khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Cộng hòa. Những tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa, trong đó có các tuyên bố phản đối chính thức sau sự kiện Trung Quốc nổ súng chiếm Hoàng Sa năm 1974, là những bằng chứng quan trọng cho chính nghĩa Việt Nam. Trước kia, do nhiều vấn đề còn tồn đọng của lịch sử, chúng ta ít khi công khai những tài liệu trong giai đoạn này. Giờ đây, để phục vụ cho công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền Trường Sa, những tài liệu ấy cần được nghiên cứu và công bố nhiều hơn, để người dân hiểu rõ hơn về lịch sử chủ quyền, về lập trường xuyên suốt của các chính quyền tại Việt Nam. Không chỉ ở trong nước, các tài liệu này cần được giới thiệu rộng rãi ra quốc tế, để thế giới biết được chính nghĩa của Việt Nam, cũng như nhận thấy hành động dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa mà Trung Quốc đã thực hiện vào năm 1974 và thập niên 1980.
Một nguồn tư liệu sống dồi dào mà lâu nay chúng ta ít đề cập, đó là những con người bằng xương bằng thịt. Họ là những binh sĩ, kỹ thuật viên dân sự Việt Nam Cộng hòa từng chiến đấu và làm việc tại Hoàng Sa. Nhiều người đã ngã xuống khi Trung Quốc nổ súng xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, nhưng cũng rất nhiều người còn sống và là những bằng chứng hùng hồn cho chủ quyền Việt Nam, cũng như là bằng chứng tố cáo hành động phi nghĩa và phi pháp của Trung Quốc.
Để đấu tranh đòi lại vùng biển đảo bị chiếm đóng, chúng ta phải chứng minh các ý chính mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra khi nói về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa - đó là xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ và thực thi chủ quyền liên tục, trong hòa bình. Về ý “xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ”, chúng ta đã có một hệ thống tư liệu đồ sộ; còn về ý “thực thi chủ quyền trên thực tế và liên tục”, chúng ta cần khai thác mạnh hơn nữa những bằng chứng trong giai đoạn chính quyền Sài Gòn quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam cần chứng minh
Trao đổi với PV Thanh Niên vào hôm qua, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nói rằng sau tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam cần đẩy mạnh việc trưng ra các bằng chứng chứng minh quá trình thực thi chủ quyền liên tục tại quần đảo Hoàng Sa. “Việt Nam cũng cần phải cung cấp các bằng chứng cho thấy đã từng lên tiếng phản đối sự chiếm đóng của Trung Quốc đối với nhóm Đông và Tây quần đảo Hoàng Sa khi các sự việc này mới xảy ra”, ông Thayer nói. Chuyên gia Úc cũng cho rằng “lập trường của Việt Nam chỉ có thể được củng cố nếu Việt Nam cung cấp một danh sách các hành động phản đối liên tục của mình kể từ năm 1974 (thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa - NV) đến nay”. Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) thì đánh giá: “Việt Nam có quyền đưa ra một tuyên bố như thế (tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - NV). Vấn đề là Việt Nam phải cung cấp bằng chứng cho thấy tuyên bố chủ quyền của mình có cơ sở vững chắc hơn Trung Quốc”. Khái niệm vững chắc hơn, theo ông Valencia, có nghĩa là phải chứng minh được hoạt động thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo.
Đỗ Hùng

Không có nhận xét nào: