Lập trường nhất quán của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa
29/11/2011 0:31Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như nhắc lại việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Lời khẳng định của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam một lần nữa cho thấy lập trường nhất quán của nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xuyên suốt mọi thời kỳ và mọi thể chế chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào”.
Thủ tướng nêu rõ: Năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (lúc đó nằm dưới sự quản lý của Việt Nam cộng hòa - VNCH). Chính quyền VNCH đã phản đối, lên án hành động này và đề nghị Liên Hiệp Quốc (LHQ) can thiệp. Chính phủ lâm thời cách mạng miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu các bản đồ phương Tây thế kỷ 17-18 thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam - Ảnh: Đỗ Hùng |
“Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp với Hiến chương LHQ, phù hợp với Công ước về luật Biển, phù hợp với Tuyên bố DOC'', Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Xuyên suốt lịch sử
Các tài liệu lịch sử Việt Nam cũng như ghi chép của các nhà thám hiểm phương Tây đều ghi nhận Việt Nam (hay An Nam, Đàng Trong…, tùy giai đoạn lịch sử) đã xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ 16-17. Các chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa tới khai thác sản vật và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, mà bằng chứng cho các hoạt động này vẫn còn tồn tại dưới các dạng: 1) Sắc chỉ của vua chúa cử thuộc cấp tới thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa; 2) Các tài liệu của những gia tộc có người thân là thành viên đội cai quản Hoàng Sa, Trường Sa; 3) Ghi chép và bản đồ của các sứ thần, nhà hàng hải Trung Quốc về Việt Nam; 4) Ghi chép và bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây; 5) Các hoạt động dân gian (như lễ khao lề thế lính ở Quảng Ngãi)…
Chính nghĩa thuộc về Việt Nam * Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (nguyên là Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Cách mạng lâm thời) khẳng định: sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1.1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã lên tiếng phản đối. * Trong Tuyên cáo ngày 14.2.1974, Chính phủ VNCH nêu rõ: “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ VNCH. Chánh phủ và nhân dân VNCH không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy…”. Tuyên cáo khẳng định lập trường đấu tranh không khoan nhượng vì chủ quyền của Việt Nam và nêu rõ: “Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có”. Tuyên cáo kết thúc bằng việc nêu rõ thiện chí của VNCH trong việc giải quyết bằng đường lối đàm phán hòa bình, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc “không từ bỏ chủ quyền”. |
Những ví dụ minh chứng cho hoạt động thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa của chính quyền Việt Nam thời phong kiến có rất nhiều. Chẳng hạn tài liệu của linh mục G.M.Taberd cho biết vào năm 1816, vua Gia Long đã cho thượng cờ xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa. Trong sách Phủ Biên Tạp Lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã nêu rõ Hoàng Sa thuộc Việt Nam.
Đến thời kỳ thuộc địa, chính quyền Pháp ở Đông Dương thường xuyên có hoạt động khai thác, thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa, có lúc đặt quần đảo này dưới sự quản lý của đơn vị hành chính Thừa Thiên.
Trong Thế chiến 2, Nhật Bản đem quân sang chiếm Hoàng Sa năm 1939 và Pháp đã phản đối. Đến khi thất trận, Nhật buộc phải triệt thoái khỏi quần đảo này và Pháp trở lại. Tuy nhiên, sau đó Pháp rút đi do các biến cố trong đất liền Việt Nam. Lúc này, Trung Hoa Dân Quốc lợi dụng vai trò giải giới quân Nhật theo hòa hước Potsdam đã tiến tới đảo Phú Lâm và Pháp đã gửi tàu Le Tonkinois tới tái chiếm quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1956, Trung Quốc (chính quyền Bắc Kinh) đã chiếm đảo Phú Lâm và Lin Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa bằng cách cho lính giả dạng ngư dân đổ bộ lên đảo.
Dù Trung Quốc chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa, chính quyền tại Việt Nam vẫn chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền và ngừng thực thi chủ quyền tại quần đảo này. Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Mỹ), Thủ tướng Trần Văn Hữu (kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) của Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và không vấp phải sự phản đối của bất kỳ nước nào. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tại Paris (Pháp) vào năm 1974, sau sự kiện Trung Quốc nổ súng chiếm trọn Hoàng Sa, ông Hữu nói: “Chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã được công khai tuyên bố nơi Hội nghị Hòa bình với Nhật năm 1951, tháng 9 dương lịch tại San Francisco”.
Sau Hiệp định Geneve, Việt Nam bị phân thành hai miền. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới sự quản lý của chính quyền VNCH ở miền Nam. Ngày 13.7.1961, tổng thống của Đệ nhất Cộng hòa đã ban sắc lệnh đặt quần đảo Hoàng Sa (gọi là xã Định Hải) trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Đến ngày 21.10.1969, thủ tướng của Đệ nhị Cộng hòa ban hành nghị định sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long, thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, chính quyền VNCH ở miền Nam đã phái quân đội tới canh gác tại nhóm đảo Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Còn nhóm Tuyên Đức và Lin Côn ở phía đông bắc và đông, dù đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn luôn khẳng định chủ quyền.
Trung Quốc cưỡng chiếm và phản ứng của Việt Nam
Với chiến lược ba bước: kiểm soát, làm chủ và độc chiếm (bắt đầu từ năm 1970), Trung Quốc đã liên tục bành trướng xuống biển Đông. Sau khi chiếm nhóm Tuyên Đức và nhóm Lin Côn thuộc Hoàng Sa vào thập niên 1950, tháng 1.1974, tàu chiến Bắc Kinh đã nổ súng chiếm các đảo thuộc nhóm Nguyệt Thiềm từ tay VNCH. Tàu chiến và binh sĩ VNCH đã chiến đấu quyết liệt, nhưng do chênh lệch lực lượng và vũ khí, cuối cùng Trung Quốc đã tạm chiếm các đảo này. Vậy là bằng các hành động phi pháp, kể từ đầu năm 1974, Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Trong trận hải chiến này, phía VNCH có 74 chiến sĩ tử trận, 48 người bị bắt.
Hành động của Trung Quốc - dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa - đã làm dấy lên một làn sóng bất bình tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Trên bình diện ngoại giao, ngay khi Trung Quốc loan báo quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ vào ngày 11.1.1974, Tổng trưởng Ngoại giao VNCH Vương Văn Bắc đã cực lực bác bỏ trong cuộc họp báo đặc biệt tại Sài Gòn ngày 15.1. Ngày 20.1.1974, đại diện VNCH bên cạnh LHQ đã đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an LHQ. Đại sứ VNCH tại các nước đã liên lạc với chính phủ sở tại để thông báo hành động phi pháp của Trung Quốc cũng như kêu gọi hậu thuẫn. Ngày 26.1.1974, Tổng thống VNCH đã gửi công hàm tới các quốc gia thân hữu để thông báo về sự kiện ở Hoàng Sa và khẳng định chính nghĩa Việt Nam. Chính quyền Sài Gòn còn xem xét đưa vụ việc ra tòa án quốc tế La Haye.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Chính phủ CHXHCN Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính phủ Việt Nam vào ngày 12.5.1977 đã ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 12.11.1982, Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo về lâu dài.
Theo TN. Đỗ Hùng
Dấu ấn chủ quyền Hoàng Sa
| ||
| ||
| ||
| ||
| ||
| ||
| ||
| ||
|
Trí Tí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét