Văn bản khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa
Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên - Huế hôm qua tiếp nhận hai văn bản của chính quyền miền Nam Việt Nam dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm ghi rõ Hoàng Sa là địa danh thuộc Việt Nam.
Hai văn bản này được ông Nguyễn Đình Tư, 73 tuổi, Trưởng phòng đào tạo công tác sinh viên ĐH Dân lập Phú Xuân (Huế), nguyên là cán bộ giảng dạy tại ĐH Sư phạm Huế trao tặng.
“Vốn là giáo viên dạy Lịch sử nên tôi có ý thức lưu giữ lại hai văn bản này và nay hiến tặng cho Bảo tàng Cách mạng Huế để có dịp trưng bày cho người dân và du khách, thêm chứng cứ khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Tư nói.
Ông Nguyễn Đình Tư và hai bức ảnh chụp hai văn bản liên quan đến Hoàng Sa mà ông vừa hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sự Cách mạng Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Văn bản thứ nhất đính theo sắc lệnh số 143-Nv ngày 22/10/1956 công bố “Danh sách các đơn vị hành chánh Nam Việt” gồm có thủ đô Sài Gòn - Chợ Lớn và 22 đơn vị hành chính tỉnh thành, cả tên cũ và mới. Văn bản ghi rõ Hoàng Sa (Spratley) thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (trước ngày 22/10/1956), tên mới thuộc tỉnh Phước Tuy (sau ngày 22/10/1956).
Văn bản này được gửi đến các tỉnh thành miền Nam. Ngày 13/12/1956, ông Hoàng Toản, Phó tỉnh trưởng Thừa Thiên sao văn bản “Danh sách các đơn vị hành chánh Nam Việt” gửi các ty, phòng thuộc tỉnh, huyện, đô thị Huế “yêu cầu phổ biến và lưu ý công chức và đồng bào”.
Văn bản thứ hai là sắc lệnh số 144/TTP ngày 23/10/1956, do Tổng thống Ngô Đình Diệm ký, đổi “Nam Việt” thành “Nam Phần”, “Trung Việt” thành “Trung Phần”, “Bắc Việt” thành “Bắc Phần”. Ngày 6/11/1956, Tòa Đại biểu tại Trung Phần sao gửi và ngày 17/11/1956, tỉnh trưởng Thừa Thiên là ông Nguyễn Đình Cẩn sao sắc lệnh trên gửi xuống các ty, huyện…
Ông Tư cho biết các văn bản trên do UBND huyện Phú Lộc cung cấp vào tháng 6/1978 từ kho lưu trữ văn bản hành chính của chính quyền cũ thời Ngô Đình Diệm, khi ông đang công tác giảng dạy môn Lịch sử tại ĐH Sư phạm Huế đi nghiên cứu sưu tầm tài liệu.
Hai văn bản về Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa được ông Tư lưu giữ. Ảnh: Nguyễn Đông. |
“Tài liệu này đã được tôi trao đổi với những người quan tâm đến Hoàng Sa - Trường Sa, trong đó có nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, và mọi người đều công nhận đây là văn bản độc bản” ông Tư cho biết thêm.
Trao đổi với VnExpress, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng lịch sử cách mạng Thừa Thiên - Huế cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Bảo tàng tiếp nhận văn bản, tài liệu liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa từ các cá nhân và tổ chức trong tỉnh.
“Tuy nhiên văn bản của ông Nguyễn Đình Tư hiến tặng có giá trị lịch sử riêng, độc đáo chứng minh rằng dù chế độ chính trị khác nhau nhưng dưới thời Việt Nam Cộng hòa, quần đảo Hoàng Sa đã được quan tâm đặc biệt, ghi nhận trong các văn bản”, ông Hùng nói.
Dự kiến, Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên - Huế sẽ xây dựng nội dung trưng bày chuyên đề “Hướng về Trường Sa thân yêu” trong dịp Festival Huế 2012.
Ngày 22/11, ông Nguyễn Đình Tư đã được Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng trao tặng bằng khen “đã có thành tích hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử và cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế”. Trước đó, vào tháng 8 và tháng 11, ông Tư đã hiến tặng cho Bảo tàng nhiều hiện vật quý. |
Nguyễn Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét