Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Những con thuyền từng vượt biển Đông ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa


Khát vọng tàu hơi nước
Loại thuyền đi biển quan trọng nhất của nhà Nguyễn trong thế kỷ 19 được khắc trên cửu đỉnh ở Huế.

Khát vọng tàu hơi nước

Chủ nhật, 29/01/2012, 03:45 AM (GMT+7)
(Tin tuc) - Từ xa xưa, người Việt đã giỏi thủy chiến với nhiều chiến thắng hiển hách. Đến triều Nguyễn, hải quân được nâng tầm chiến lược. Nhiều hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải được thành lập, các dự án đóng tàu hơi nước, tàu bọc đồng, đặc biệt đưa người ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu.

Đó là hành trình dài đầy ý chí tiến ra đại dương của người Việt và minh chứng xác thực chủ quyền biển của quốc gia đã được thực thi từ lâu đời...
“Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Từ năm 1839, lời phán của vua Minh Mạng đã lưu truyền chính sử, khi ông thân chinh đến dự lễ hạ thủy tàu hơi nước đầu tiên do chính người Việt đóng.
Ai đóng tàu hơi nước đầu tiên?
Từ nội thành Huế, tôi tìm về quê hương Hoàng Văn Lịch đã lưu danh trong công trình đóng tàu hơi nước đầu tiên ở làng Hiền Lương, huyện Phong Điền. Đây là làng Việt cổ có tên là Hoa Lang, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Triều Minh Mạng đổi Thuận Hóa làm phủ Thừa Thiên và đặt lại tên làng Hoa Lang thành Hiền Lương. Trải bao biến động thời cuộc, làng luôn nổi tiếng với nghề rèn. Đặc biệt không chỉ rèn nông cụ, danh tiếng Hiền Lương còn gắn liền việc chế tạo vũ khí. Người làng đỗ đạt cao, làm quan triều đình. Khi vua Minh Mạng thực hiện cách mạng hàng hải, khởi đóng những chiếc tàu hơi nước của nước Việt thì chính Hoàng Văn Lịch, người Hiền Lương, được giao làm giám đốc công trình đặc biệt này.
Bao vương triều hưng thịnh rồi suy vong, nhưng Hoàng Văn Lịch vẫn mãi lưu danh trong ký ức nhiều đời người Hiền Lương. Nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu là người làng này hồi tưởng: “Dân làng tôi truyền đời kính trọng cụ Hoàng Văn Lịch. Đến giờ vẫn còn phần mộ, nhà thờ ghi công đức cụ cho hậu thế không quên...”.
Theo nghiên cứu của ông Thu, Hoàng Văn Lịch sinh năm giáp ngọ 1771 ở làng Hiền Lương, hưởng thọ 77 tuổi. Công đức ông rõ nhất có lẽ chính là nội dung bản sắc phong của vua Thiệu Trị được khắc trên bia mộ: “Năm Thiệu Trị thứ sáu. Cáo thọ Minh Nghĩa đô úy Võ khố đốc công sở chánh giám đốc thủy tráng dực Lương Sơn Hầu Hoàng Văn Lịch... Nay ban tờ chiếu này trước là để cho tận lực của người được phấn chấn mà tỏ lòng cường lĩnh, trung kiên, sau là để thưởng cho người nhiều công lao đốc thúc, đảm đang phòng ngự, bảo vệ vương triều...”. Đặc biệt, mặt sau bia mộ còn được con cháu đời sau ông ghi cụ thể: “Hiển cao tổ khảo Hoàng Văn Lịch... trí tuệ thông minh, kỹ nghệ tinh xảo, học thông chữ tốt, võ vẫn kiêm văn. Triều Gia Long bổ vào Thạch Cơ Tượng. Triều Minh Mạng thăng thọ chánh giám đốc ở sở Võ khố kiêm quảng bá công cuộc... đốc suất chế tạo ra mấy chiếc hỏa thuyền...”.
Đầu đông 2011, nắng hanh hao đường làng Hiền Lương. Tôi lần lại dấu vết người xưa. Phó giáo sư Hoàng Dũng, hậu duệ họ Hoàng làng Hiền Lương, kể rằng ông đã được nghe các bậc cao niên truyền kể cụ Hoàng Văn Lịch là người đặc biệt, mang lại tiếng thơm cho làng. Học hành đỗ đạt làm quan thì nhiều làng đều có, nhưng từ người làng rèn trở thành “công trình sư trưởng” đóng tàu hơi nước đầu tiên ở Việt Nam như cụ Hoàng Văn Lịch làng Hiền Lương này là rất hiếm để đời sau tôn vinh.
Khát vọng tàu hơi nước, Tin tức trong ngày, hoang sa, hoa thuyen, truong sa, thuyen, tin moi, bao
Loại thuyền đi biển quan trọng nhất của nhà Nguyễn trong thế kỷ 19 được khắc trên cửu đỉnh ở Huế.
Hỏa thuyền Đại Nam
Những ngày ở Huế, tôi cố gắng tìm dấu vết còn lại của những chiếc tàu hơi nước đầu tiên. Quốc triều sử toát yếu của Cao Xuân Dục kể rằng triều Minh Mạng năm thứ 19 (1838) đã cho Võ khố đóng tàu hơi nước theo nghiên cứu kiểu cách tàu máy mua của Tây Dương.
Năm sau, công trình đặc biệt này hoàn thành. “Tháng 4, ngài (vua Minh Mạng) ngự chơi Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước khiến sở Võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đàng vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công bị xiềng, quan bộ công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân vì cớ tâu không thiệt đều bị bỏ ngục. Bấy giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau. Ngài ban thưởng giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn, đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”...
Tác giả Huỳnh Hữu Hiến viết cuốn Hiền Lương chí lược, kể thêm sau cuộc thử nghiệm thất bại, giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng cộng sự tại Võ khố nghiên cứu, sửa chữa được hỏng hóc và chạy thử thành công ở sông An Cựu. Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của ngành đóng tàu nước Việt. Sử nhà Nguyễn ghi chép rõ ý chí nắm bắt kỹ thuật đóng tàu máy của nước Việt từ cách đây gần hai thế kỷ: “... Kiểu thuyền ấy nhờ hơi mà chuyển động, không cần gió nước thuận hay nghịch, không bắt sức người chèo chống mà thuyền tự phóng nhanh, máy móc thực là tinh xảo. Phải thu mua bằng giá đắt để phỏng theo cách thức đóng thuyền lớn khác để dùng mãi mãi”.
Sau đó, ít nhất hai tàu hơi nước khác được tiếp tục đóng mới. Đặc biệt, Hoàng Văn Lịch còn chỉ huy thợ thuyền chế tạo thành công bộ máy tàu lớn. Ngoài thợ kinh thành và làng Hiền Lương, 90 thợ rèn, đúc ở Hà Tĩnh, Bắc Ninh cũng được trưng dụng. Kỹ thuật đóng tàu được nghiên cứu, cải tiến, kể cả cỡ tàu, mớm nước lẫn động cơ. Để nâng vận tốc và độ linh hoạt, những bộ phận quan trọng như thùng hơi nước, bánh xe quay đều được tăng kích cỡ trong khi ván thuyền sử dụng nhiều loại gỗ nhẹ hơn. Từ đây, ngành đóng tàu hơi nước triều Minh Mạng tiến dần đến quy thức công nghiệp. “Lần này, đóng thuyền cơ khí, vật kiện máy móc làm ra kích thước to nhỏ đã có đồ thức làm bằng cứ, không ví như một lần đầu làm thử... Hạn trong tháng 12 nay hiện đã hoàn chỉnh, quả có linh hoạt, tinh xảo nên công hiệu rõ ràng”.
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ít nhất triều Minh Mạng đã đóng thành công mấy chiếc tàu hơi nước. Chiếc Yên Phi lớn nhất, dài 8 trượng 5 thước 2 tấc, rộng 2 trượng 6 tấc và sâu 8 thước 6 tấc 1 phân (1 trượng = 10 thước mộc, một thước mộc = 0,425m). Hai chiếc khác là Vân Phi và Vụ Phi. Đặc biệt, tàu hơi nước người Việt đóng đã có cải tiến so với tàu mua. “Chiếc thuyền cơ khí mua của Tây Dương cũ, trước đã có chỉ giao Vệ long thuyền nhận giữ để chạy thử. Hiện nay thuyền cơ khí đã có những chiếc mới đóng, còn chiếc cũ ấy ngắn nhỏ, xét ra không dùng vào việc gì”.
Thời vua Thiệu Trị tiếp tục cho đóng mới tàu hơi nước tên Hương Nhi và cải tiến các tàu đã đóng. Ngoài đóng mới, triều đình cũng mua thêm tàu hơi nước và tiếp tục học hỏi kỹ thuật đóng tàu hiện đại bấy giờ.
  
Hải thuyền Hoàng Sa
Bản vẽ kỹ thuật thuyền buồm và một số vật dụng dùng để đi Hoàng Sa.

Hải thuyền Hoàng Sa

Thứ Hai, 30/01/2012, 03:40 AM (GMT+7)
(Tin tuc) - Nhiều chiến thuyền, tàu buôn nước ngoài đã bị nạn khi qua vùng biển Paracel (Hoàng Sa) trong khi các hải đội triều Nguyễn vẫn thường xuyên ra vào vùng biển này.

Thậm chí họ từng cứu hộ tàu nước ngoài bị đắm. Điều đó không chỉ được sử sách nước Việt ghi nhận mà các nhà hàng hải quốc tế, kể cả người Trung Quốc cũng ghi chép rất kỹ. Người Việt đã chinh phục vùng biển nguy hiểm này bằng loại thuyền gì?
Sự thật thuyền Hoàng Sa
“Tổ tiên đã truyền đời kể cho chúng tôi nghe về những con thuyền từng vượt biển Đông ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời thơ ấu của tôi ở Lý Sơn, loại thuyền ngược xuôi trên biển cũng không khác xưa. Chúng nhỏ gọn nhưng chắc chắn và rất tiện dụng trên vùng biển có nhiều bãi cát, rạn san hô như Hoàng Sa, Trường Sa...”. Ông đồ già Võ Hiển Đạt ở đảo Lý Sơn tự hào hồi tưởng thuở bao lớp tổ tiên can trường tiến ra biển. Mùa ra khơi năm 2011, ông Đạt bước sang tuổi 81, là trưởng nhóm nghiên cứu, đóng lại chiếc thuyền của những đội hùng binh nước Việt năm xưa sử dụng để chinh phục đại dương. Là bậc cao niên hiếm hoi còn thông thạo chữ nho ở Lý Sơn, ông Đạt cũng từng tiếp cận nhiều tài liệu, thư tịch, sắc phong cổ ở Lý Sơn để hiểu rõ về những con thuyền của tổ tiên mình.
Những buổi chiều ngồi ngắm biển ở cảng Lý Sơn, ông Võ Hiển Đạt đã kể cho tôi nghe nửa đầu thế kỷ 20 dân đảo vẫn còn nghèo lắm. Người đi biển đều sử dụng những chiếc thuyền buồm như tổ tiên mình đã bao đời cưỡi trên đầu sóng ngọn gió. Người đi buôn dùng ghe bầu. Ngư dân có ghe câu nhỏ hơn. Hai loại thuyền đôi nét khác nhau về kích cỡ, nhưng đều vượt biển giống nhau nhờ sức gió thổi buồm và khả năng xoay xở rất tốt ở những vùng biển nông dễ mắc cạn.
Khi phục dựng lại thuyền đi Hoàng Sa thuở xưa, ông Đạt đã cẩn thận gặp thêm nhiều bậc cao niên ở Lý Sơn để cùng bàn bạc chính xác loại thuyền. Thật ra ông và các bạn vẫn nhớ rõ đến nửa đầu thế kỷ 20, ngư dân ở Lý Sơn và dọc bờ biển Quảng Ngãi vẫn truyền đời đi biển bằng loại thuyền này. Họ gọi dân dã là ghe câu. Đây cũng là tên thuyền thông dụng mà tổ tiên họ ngày xưa đã sử dụng để vượt biển ra Hoàng Sa. Ngoài ra, một cơ sở khác để họ có thể phục dựng chính xác loại thuyền này chính là hình mẫu chiếc thuyền cúng trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ngay thời hải đội Hoàng Sa còn hoạt động, lễ cúng này đã được thực hiện để yên lòng người ra đi vì Tổ quốc và hình mẫu chiếc thuyền buồm trong lễ cúng vẫn được truyền đời thực hiện đến ngày nay.
Đặc biệt, các sử gia uy tín xưa cũng khẳng định rõ loại thuyền mà người Việt từng can trường cưỡi trên đầu sóng ngọn gió, xác lập chủ quyền cho Tổ quốc. Với ghi chép tỉ mỉ của Lê Quý Đôn thì không chỉ đội Hoàng Sa mà ngay cả đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản cũng chinh phục đại dương bằng loại thuyền nhỏ này. Khu vực mà hải đội Bắc Hải hoạt động chính là quần đảo Trường Sa và trải dài vào các đảo phía Nam.
Hải thuyền Hoàng Sa, Tin tức trong ngày, hoang sa, hoa thuyen, truong sa, thuyen, tin moi, bao
Thuyền buồm của đội Hoàng Sa vào thế kỷ 17-18.
Trong một chỉ thị cho đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động, triều đình Tây Sơn năm 1786 ghi rõ: “Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa...”. Còn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng ghi chép chính xác loại thuyền này khi nhắc đến đội Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy... Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên...”. Và loại thuyền câu đó chính là thuyền mà ngư dân Lý Sơn đã truyền đời cưỡi trên đầu sóng ngọn gió.
Đặc biệt, nhiều nhà du hành, thương nhân nước ngoài khi đến Đàng Trong cũng nhắc đến loại thuyền độc đáo của ngư dân Việt mặc dù họ có một vài cách định danh khác nhau. Nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Hoa khi đi thuyền đến xứ Đàng Trong năm 1696 đã có nhiều ghi chép trong tập Hải ngoại ký sự về loại thuyền “điếu xá” rất nhanh của người vương quốc này. Trong khi chiếc thuyền lớn xuất phát từ Quảng Đông của nhà sư Thích Đại Sán bị mắc cạn thì ông ta lại rất ngưỡng mộ loại thuyền “điếu xá” có cánh buồm như hình chiếc rìu lướt gió rất nhanh đã nhìn thấy ở vùng biển Hoàng Sa. Đây chính là loại thuyền mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử ra đón nhà sư Trung Hoa này ở Cù Lao Chàm (thuở đó còn gọi Tiên Bích Sa). Và chính sử nước Việt lẫn tư liệu hàng hải quốc tế cũng ghi nhận nhà Nguyễn còn nhiều lần cử thuyền đi cứu hộ tàu nước ngoài bị đắm, trong đó có cả tàu của Hà Lan, Anh, Pháp...
Bí quyết tốc độ
Nhà sư Thích Đại Sán đã ngưỡng mộ loại thuyền nhỏ của người Việt này được cơn gió thuận thì lướt nhanh gấp 10 lần những chiếc thuyền gỗ lớn nặng nề. Đó cũng chính là bí quyết độc đáo của chiếc thuyền câu thuở nào. Thời đại máy móc ngày nay đã “chuyển giao” những chiếc ghe câu một thuở kiêu hãnh ngang dọc biển Đông vào lịch sử, nhưng ở miền Trung mà đặc biệt là Quảng Ngãi vẫn còn nhiều người từng đóng hoặc am hiểu loại thuyền vượt biển độc đáo của người Việt này.
Ông Võ Hiển Đạt kể năm 1945, Pháp giải thể các xưởng đóng thuyền ở đảo Lý Sơn. Khi đó ông đã 15 tuổi, hay mày mò vào các xưởng đóng tàu trên đảo để tìm hiểu, học nghề. Ngoài ra, dòng họ ông cũng có nhiều người đi biển, làm nghề cá bằng ghe câu mà mãi đến những năm 1970 mới nâng cấp dần lên được máy móc. Chiếc ghe câu một thời không chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là bạn của nhiều gia đình ở Lý Sơn.
Vừa rồi, ông Đạt đóng chiếc ghe câu đi Hoàng Sa là mô hình thu nhỏ cho Bảo tàng Quảng Ngãi. Còn kích cỡ thật của nó dài 12-18m, rộng 2,5-3m và sâu khoảng 1,8 đến hơn 2m. Điểm nhận diện đặc biệt của chiếc ghe câu này là thường đóng bằng cả gỗ và tre. Trong đó, gỗ dùng làm khung sườn và phần trên ghe, còn tre được đan thành mê bao bọc phần dưới ghe để chống nước xâm nhập bên trong. Và tre chính là bí quyết làm chiếc thuyền câu của người Việt trở nên nhẹ nhàng để đạt được tốc độ cao.
Theo ông Đạt và các bậc cao niên ở Lý Sơn, nhờ thuyền nhẹ mà các hải đội Hoàng Sa dễ dàng đổ bộ lên các rạn san hô, đảo cát trải dài thoai thoải ở Hoàng Sa mà tàu lớn không vào được. Đặc biệt, khi cần thủy chiến, những ghe câu này cũng nhanh chóng phát huy tốc độ để áp sát tấn công đối phương.



Câu chuyện của người thợ cả

Thứ Ba, 31/01/2012, 03:40 AM (GMT+7)
(Tin tuc) - Khi đi tìm lại kỹ thuật đóng những chiếc thuyền buồm một thuở lừng danh của hải đội Hoàng Sa, tôi may mắn gặp được nhiều bậc cao niên vẫn nắm vững kỹ thuật đóng loại thuyền này. Thậm chí có những bác thợ cả còn tự hào kể đời mình đã từng đóng được ít nhất vài chục chiếc mãi đến những năm 1950 của thế kỷ 20...
Mê tre, sự sáng tạo Việt độc đáo

Lý Sơn, mùa biển này hay nổi dông gió, nhưng các ngư dân quả cảm vẫn đang ra khơi. Họ là thế hệ trẻ trên hòn đảo quê hương hải đội Hoàng Sa đã chuyển sang sử dụng tàu máy, còn trước đó cha ông họ vẫn cưỡi trên đầu sóng ngọn gió bằng loại ghe câu chạy buồm mà tổ tiên họ từ hàng trăm năm trước đã sử dụng. Ông Võ Hiển Đạt kể khi được tỉnh Quảng Ngãi giao phục dựng chiếc ghe câu một thời, ông hào hứng nhận ngay mà không chút băn khoăn. Những người ở tuổi 80 như ông trên đảo đều biết rõ, thậm chí nhiều người từng tự tay đóng hoặc đi biển trên những chiếc ghe đó. “Không sử dụng nhiều gỗ như bây giờ vì phần thân dưới ghe là mê tre, nhưng người thợ đóng loại ghe đó phải biết dựng nên khung sườn gỗ chắc chắn để kết hợp với độ dẻo dai của tre mà chống chịu bão gió trên biển ...” - ông Đạt kể phải mất khoảng 150 ngày công mới hoàn thành chiếc ghe lịch sử này dù chỉ là mô hình thu nhỏ. Tất cả chi tiết đều làm bằng tay, chi tiết càng nhỏ càng đòi hỏi khéo tay hơn.
Câu chuyện của người thợ cả, Tin tức trong ngày, hoang sa, dao ly son, tho ca, nguoi viet, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Hải thuyền Hoàng Sa được phục dựng
Nhờ chỉ dẫn của các ngư dân lớn tuổi, tôi đi tìm người thợ cả Nguyễn Tấn Trà, 76 tuổi, ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã từng đóng cả trăm chiếc ghe. 60 năm tuổi nghề, ông là hậu duệ của dòng họ có ít nhất sáu đời đã đóng ghe câu. Tiếp nối nghề này mãi đến năm 1968 ông mới chuyển qua đóng tàu máy. Những ngày ở bến sông Nghĩa Phú, tôi đã mải mê nghe ông Trà ôn lại ký ức gắn liền với loại ghe câu từng ngang dọc Hoàng Sa: “Đời nay có thể nói chiếc ghe câu xưa lạc hậu. Nhưng với những thợ cả đời đóng tàu như chúng tôi thì chiếc ghe đó là cả công trình nghệ thuật, một sự hun đúc kinh nghiệm đi biển bao đời mới có được. Nó như chính con người Việt nhỏ nhắn nhưng không dễ khuất phục, mềm mại nhưng dẻo dai, bền bỉ...”.

Ông Trà tâm sự chỉ riêng tấm mê tre chịu nước dưới ghe cũng thể hiện kinh nghiệm độc đáo của người Việt. Thợ làm mê phải có kinh nghiệm lựa tre già, lóng tốt, không thối gốc, cụt ngọn, sau đó mới chọn đoạn dài đẹp nhất giữa thân. Việc chẻ tre thành từng thanh nan cũng đòi hỏi rất khéo tay. Nan tre phải đạt độ dày và lớn đều nhau để mắt đan liên kết chặt chẽ. Nan tre đan mê ghe không cần ngâm nước trước, nhưng phải phơi đủ vài nắng tươi. Thợ đan phải có kinh nghiệm mới được đan mê ghe để đều tay, xít chặt. Mắt mê cũng không không đan song song hay thẳng đứng với mặt nước mà theo chiều xéo góc để có độ dẻo dai, chống chịu được sóng gió. Mê tre sau khi đan xong được quét phân trâu bò để trét kẽ nan, rồi lại tiếp tục phủ lớp dầu rái (cây rái trên rừng). Theo ông Trà, tấm mê tre có vẻ mỏng manh so với gỗ nhưng dẻo dai, khó gãy. Khi gặp sóng gió có thể lún vào rồi lại căng ra bình thường. Mê tre cũng rẻ tiền, dễ thay sau mỗi hải trình xa xôi, nếu được quét dầu rái cẩn thận có thể bền hơn ba năm.

Ưu điểm lớn nhất của mê tre chính là sự nhẹ nhàng giúp giảm tải ghe. Thường mê tre chỉ nặng bằng 1/5 so với gỗ. Nhờ đó mà chiếc ghe câu hay ghe bầu vận tải của người Việt xưa đã đạt tốc độ rất cao.
Câu chuyện của người thợ cả, Tin tức trong ngày, hoang sa, dao ly son, tho ca, nguoi viet, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Người thợ cả Nguyễn Tấn Trà
Vững chãi trong bão tố

Tự hào về những ghe câu mình từng đóng, ông Trà kể ngoài nghệ thuật dùng mê tre làm bụng ghe, phần khung sườn và các bộ phận khác cũng được hun đúc từ kinh nghiệm bao đời người Việt đi biển. Gỗ quý xưa không thiếu, nhưng việc chọn đúng loại gỗ phù hợp để đóng ghe đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc kỹ thuật hàng hải. Chiếc ghe tốt phải cứng cáp chịu đựng được bão tố, nhưng cũng không được quá nặng nề, chậm chạp. Là một trong những người thợ từng đóng những chiếc ghe câu cuối cùng ở Quảng Ngãi, ông Trà kể: “Tổ tiên đã truyền cho tôi kinh nghiệm chọn loại gỗ cứng nhưng dẻo dai như sao, chò, kiền kiền để đóng phần ghe dưới nước, đặc biệt là xỏ lái trước mũi và “con lươn” chịu lực chính dọc theo đáy ghe”. Chỉ cách đây già nửa thế kỷ, gần như toàn bộ công việc đóng tàu vẫn được làm bằng tay. Tùy cỡ ghe họ có thể đóng mất 200-300 ngày công, đòi hỏi sự khéo tay và kinh nghiệm của thợ.

Thời ông Trà, thợ cả giàu kinh nghiệm chỉ nhìn lượng gỗ có thể tính chính xác mực nước ghe mình đóng. Ghe câu thường gồm khoang đốc phía sau, khoang lòng và khoang mũi. Loại ghe câu nhỏ của đội Hoàng Sa mà về sau vẫn được con cháu họ là ngư dân Lý Sơn sử dụng thì dùng hai hoặc ba cột buồm. Trong đó cột chính (dân đi biển quen gọi là cột lòng) bằng các loại gỗ kiền, lim cao khoảng 9m, cột buồm mũi cao khoảng 7m và cột buồm lái phía sau. Ghe câu thường chỉ dài 11-16m, rộng 2,5-3m và sâu 1,8-2,5m. Thủy thủ đoàn 8-10 người, phù hợp với các tài liệu cổ ghi chép suất đội đi Hoàng Sa được tìm thấy ở Lý Sơn. Từ đảo này họ đi ba ngày ba đêm thì đến Hoàng Sa. Tốc độ chính nhờ sức gió thổi buồm, nhưng ghe vẫn thường được trang bị thêm bốn chèo ngang và một chèo lái.

Để sinh tồn sáu tháng lênh đênh trên biển Hoàng Sa, ghe được trang bị các khạp gỗ đựng gạo, nước, củi để tránh bị vỡ khi gặp sóng gió. Thủy thủ đoàn cũng không thể thiếu khạp dầu rái dự phòng cho trường hợp phải trét sửa ghe dọc đường. Đặc biệt, họ mang theo cả giáo mác cán gỗ để phòng thân. Ngoài gạo, thức ăn thêm của đội Hoàng Sa là cá mú bắt được trên biển và các loại trứng chim, rùa có rất nhiều trên các đảo.

Không rõ hải quân triều đình xưa có dùng nhiều thuyền hải vận lớn để theo đội Hoàng Sa là dân binh Lý Sơn hay không. Nhưng chắc chắn chiếc ghe câu nhỏ là phương tiện chủ yếu của hải đội Hoàng Sa đã được ghi chép trong sử sách và ký ức con cháu nhiều đời truyền lưu.


Phát hiện văn bản phong “Soái đội Hoàng Sa”

- Một sắc phong cổ phong “Soái đội Hoàng Sa” cho một người Quảng Nam vừa được phát hiện tại nhà thờ tộc Lê ở xã biển Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam...

Theo sắc phong được lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê ở xã biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) cho biết đây là một trong “Soái đội Hoàng Sa” đầu tiên được phát hiện tại Quảng Nam.
Theo bản dịch mới đây của Thích Chánh Huệ trụ trì chùa Kỳ Viên (Tam Kỳ) và những người am hiểu chữ Hán tại địa phương vừa mới công bố cho biết: bản sắc phong cổ được lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê ở xã biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) khẳng định: vào năm Minh Mạng thứ 18 (Mậu Tuất 1838), Tuần phủ Nam Nghĩa chỉ dụ: Trong đội thủy vệ Quảng Nam số 10 có đội binh Lê Văn Ước “đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn nên đề bạt làm quyền Đội trưởng Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1, giao bằng cấp Soái đội, tùy cai quản”.
Như vậy, ông Lê Văn Ước, người con của tộc Lê quê ở phường Hạ, xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông cũ (nay là thôn Hạ Thanh, xã TamThanh) được phong giữ chức Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quản Hoàng Sa.
Đây là văn bản chữ Hán cổ nhất được lưu giữ tại phổ ý tộc Lê phái nhất vừa được phát hiện.
Văn bản cổ vừa được phát hiện khẳng định người Quảng Nam cũng từng tham gia bảo vệ đảo Hoàng Sa cách đây hơn 300 năm (Ảnh: V.Trường)
Cùng với chỉ dụ của quan Tuần phủ Nam Nghĩa (đứng đầu 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi) cử ông Lê Văn Ước làm Đội trưởng Đội tả thủy vệ. Phổ ý phái nhất tộc Lê còn lưu một chỉ dụ nữa của quan Tri phủ huyện Hà Đông.
Chỉ dụ này căn cứ lệnh cấp trên đã phê giấy chứng nhận giao Đội trưởng Đội tả thủy vệ Lê Văn Ước tuyển mộ thủy quân lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ “Hà Đông Tiên Giang Đoàn Dân Dũng”.
Như vậy, có thể khẳng định dưới triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành lực lượng thủy binh để bảo vệ bờ cõi trên biển và đã từng có những người con Quảng Nam cùng Quảng Ngãi ra bảo vệ Hoàng Sa.
Theo nhiều bậc cao niên am hiểu chữ nho cho biết: công việc thủy vệ lúc bấy giờ chủ yếu đi cai quản các đảo ở Hoàng Sa. Lính thủy binh xa nhà có khi hàng năm trời nên những người tham gia đội thủy binh đều có tinh thần dũng cảm, tự nguyện cao mới được tuyển chọn.
Trong một văn bản cổ khác cũng được lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê này cho biết: trong chiếu dụ của quan tri phủ huyện Hà Đông (viết năm Tự Đức thứ 11, năm 1859) về việc mộ thủy binh như sau: Dưới đội thì đội trưởng có quyền mộ binh trong thôn xã để thành lập.
Dưới hạt là các thôn, xã, tùy thực tế mỗi nơi châm chước mà quy định tuyển 50, 60 hoặc trên 40 người làm tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn bố trí một đoàn trưởng, lựa chọn thế nào có thể thu phục được họ.
Quy thúc 5 tiểu đoàn có tên theo thứ tự sẽ thành 1 đại đoàn… Phân tác khí giới tùy theo trong dân, có kiếm sắt hoặc dao rựa thì sửa đổi để dùng đều có thể được. Bình thường lực lượng này là tự vệ hương thôn, ngày tập luyện võ nghệ, đêm thì tuần phòng nhưng nếu có công văn lúc cần lập tức xuất binh.
Với phát hiện này đã khẳng định những người con Quảng Nam cách đây hơn 300 năm đã từng tham gia đội Hùng binh Hoàng Sa, tham gia bảo vệ chủ quyền bờ cõi của tổ quốc.
Vũ Trung


Với quần đảo Hoàng Sa

- Hoàng Sa quần đảo tít trùng khơi/ Những đá san hô kết tinh từ biển mặn/ Đảo huyền ảo giữa mây trời sóng nắng/ Gió thốc ngày đêm, hạt cát nhẵn tròn
Ảnh minh họa
Con hỏi về quần đảo Hoàng Sa
Nơi xa ấy chưa một lần cha tới
Một quần đảo giữa bao la trời biển
Như hàng cọc tổ tiên phân định cõi bờ

Bóng thuyền nan còn thấp thoáng trong mơ
Mái chèo khoắng, người xưa đi mở đất
Qua năm tháng sóng bào và gió giật
Đảo vẫn sinh sôi trụ đứng với đời

Hoàng Sa quần đảo tít trùng khơi
Những đá san hô kết tinh từ biển mặn
Đảo huyền ảo giữa mây trời sóng nắng
Gió thốc ngày đêm, hạt cát nhẵn tròn

Trên đảo có gì? Khó kể với con
Cây dừa nước cổ đeo cườm trĩu quả
Chịu bão tố nên có tên dừa đá
Cây bàng quả vuông to đến dị kỳ

Ốc tai voi như cõi đã biết đi
Đông vui nhất là loài chim biển
Những chim vịt, hải âu…tụ đến
Tiếng sóng ru giấc ngủ dập dềnh

Bảng lảng trời mây nắng mông mênh
Chim báo gió báo trời xanh với đảo
Bởi Hoàng Sa là trung tâm rốn bão
Lốc xoáy triền miên, đêm ngắn ngày dài

Lật xem từng trang sử xưa
Từ dựng nước qua thời Lê thời Lý
Qua mảnh gốm của Hoàng Sa di chỉ
Con sẽ gặp Tổ tiên trên đảo Cát Vàng

Biển đang gầm sóng đang nổi ơi con
Với khẩu súng hẹn ngày con ra đảo
Cho Hoàng Sá dịu cơn bão tố
Với Trường Sa làm vọng gác biển đông

Xuân Tùng 

Nắm cát vàng từ Hoàng Sa

Ngày TP.Đà Nẵng cắm bảng đặt tên đường Hoàng Sa cho đại lộ ven biển Sơn Trà, tôi đã dong xe miệt mài qua lại nhiều lần. Dẫu con đường này đã quá đỗi thân quen, nhưng sau khi mang tên mới, trong tôi có một cảm giác lạ lắm, cứ như mình đang sờ nắn được một Hoàng Sa…
Chợt giật mình, thấy thương và hiểu được một phần nào tâm tư của anh bạn ngư dân Mai Phụng Lưu ở làng chài An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi. Theo cha đi biển từ nhỏ, một đời bám biển, quanh năm nằm ở Hoàng Sa, vậy mà ông Lưu cũng phải mang về cho mình những nắm cát vàng từ đảo để vơi đi nỗi nhớ…
Sờ nắn được tình yêu
Tôi trở lại Lý Sơn lần thứ ba, nhưng lại là lần đầu tiên đi bằng đò ngang từ cảng Sa Kỳ ra huyện đảo này, nên đã tiếp xúc được với nhiều ngư dân hơn. Lần thứ nhất, ghé vào Lý Sơn từ ngoài khơi, bằng tàu hải quân HQ 628 trong một chuyến thăm các đảo ven bờ dịp cận Tết Nguyên đán - 2008. 
Một góc Lý Sơn.
Lần kế tiếp hội ngộ Lý Sơn từ... trên trời, bằng máy bay trực thăng của Sư đoàn 372 trong một chuyến mang hàng cứu trợ người dân sau bão số 9, năm 2009. Mỗi lần đến với hòn đảo nhỏ xinh đẹp này, tôi luôn tranh thủ lần mò mọi ngóc ngách, hòng mong tìm hiểu thêm về đời sống, văn hoá của cư dân miệt biển, đặc biệt là những dấu tích liên quan đến Hoàng Sa.
Lý Sơn là vùng lãnh thổ may mắn của tổ quốc, không chịu sự tàn phá trực tiếp từ các cuộc chiến tranh. Bởi vậy, trầm tích văn hoá nơi đây gần như còn nguyên vẹn, luôn ẩn chứa nhiều điều lạ lẫm, mới mẻ, mà người đương đại chưa khám phá, hiểu hết được về nơi này. Đặc biệt, Lý Sơn là quê hương của những cai đội Hoàng Sa thời Nguyễn, là nơi lưu dấu đậm nét nhất của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, những hiện vật minh chứng chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.

Cũng như bao du khách khác, lần đầu đến với Lý Sơn, địa chỉ đầu tiên chúng tôi phải ghé thăm, tìm hiểu là Âm Linh tự và quần thể mộ gió gắn liền với huyền sử đi biển, giữ đảo của người dân vùng này. Thắp nén nhang trong các điện thờ, lặng thinh nghe tiếng vọng sóng biển trong không gian hương khói, chắc chắn không ai nghĩ rằng dưới những nấm mộ gió kia chỉ có đất sét nặn và thân những cành cây dâu. Vong linh của những người đã chết dường như được về với đất tổ, dẫu thân xác họ vĩnh viễn nằm lại với Hoàng Sa, với biển Đông.
Tôi ghé thăm nhà quả phụ Ngô Thị Việt - vợ của ngư phủ xấu số Võ Minh Tân. Ông Tân cùng với 5 thuyền viên khác là con dân của Lý Sơn đã nằm lại với trùng khơi nơi vùng biển Hoàng Sa trong một trận bão biển áp Tết 2010.
Đã gần 1 năm, kể từ ngày con tàu xấu số của thuyền trưởng Võ Minh Tân bị chìm, cái lạnh lẽo của chiều đông se sắt ấy như vẫn còn ngập trong căn nhà bé nhỏ này. Nhưng mọi nỗi buồn dường như đã dồn vào đôi mắt sâu thẳm, với cái nhìn vợi xa của chị Việt.
Tôi phải gượng lên nỗi đau mà sống nuôi con, trả nợ con tàu chứ biết làm sao anh" - chị Việt tâm sự - "Từ ngày làm lễ rước linh, nhập hồn để xây mộ gió cho anh ấy, mẹ con tôi đã thấy ấm lòng. Anh ấy đã về với gia đình”.

Tôi đã đọc và nghe nhiều lý giải về 2 từ “mộ gió”, rằng nó là những độn cát ven biển, bị gió xây thành nấm, dịch chuyển bất ổn. Hay là mộ mà không có nắm xương người, như người ta vẫn “xí đất” để làm sinh phần...
Nhưng sau khi ghé thăm gia đình các quả phụ tại Lý Sơn, tôi mới chợt thấy thêm một ý nghĩa khác. Rằng mọi tình cảm thiêng liêng dù không có hình hài cụ thể, không đụng chạm được, nhưng có thể cảm nhận, nghe thấy nó, giống như gió vậy.
Có mà như không, không mà lại có, đó là mộ gió. Tình yêu thương dù có dậy sóng trong lòng, nhưng cũng sẽ mơ hồ, mông lung nếu không có một sự hiện hữu vật thể nào đó có thể sờ nắn được ở trên đời.
Bởi vậy, người dân Lý Sơn từ xa xưa đã nghĩ đến việc rước vong linh, nhập hồn vào hình nhân là đất nặn và cây dâu, để dựng lên những ngôi mộ gió, thờ những người đàn ông bỏ mạng khi đi canh giữ Hoàng Sa xưa kia và những ngư phủ bỏ mạng vĩnh viễn ngoài biển Đông bây giờ.
Công dân Hoàng Sa
Ra Lý Sơn lần này tôi còn trách nhiệm mang tiền, quà từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động ra tặng các gia đình ngư dân khó khăn, học sinh nhân ngày thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên cả nước tại đây.
Đêm trước của ngày thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, tôi được nhóm ngư dân mời về nhà Mai Phụng Lưu để uống rượu Vú Nàng và thưởng thức món cá ngừ câu về từ Hoàng Sa.
Thú thật, sự hấp dẫn hơn cả với tôi vẫn là cái tên Mai Phụng Lưu. Cái tên ấy dẫu đã quá quen thuộc với giới truyền thông và người dân cả nước. Sự nổi tiếng bất đắc dĩ của ông chỉ vì lý do rất đời thường là gan lỳ, kiên quyết bám biển dẫu bao phen hoạn nạn. Trong đó có ít nhất 5 lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu ngư cụ, tàu cá..., trắng tay.
Lưu tâm sự, dù phải vĩnh viễn nằm lại với Hoàng Sa như bao bạn tàu khác, ông còn thấy dễ chịu hơn nếu không được ra khơi. Bởi vậy, đầu năm 2011, sau lần bị Trung Quốc bắt giam, thu tàu lần thứ năm, trở về ông Lưu lại cầm cố ngôi nhà để vay mượn ngân hàng, sắm lại con tàu mới với quyết tâm bám biển cùng 2 con trai và con rể.
Ông trở thành nhân vật điển hình, không chỉ chính quyền trong và ngoài nước quan tâm, đồng nghiệp ngưỡng mộ mà cánh nhà báo khi ra Lý Sơn không người nào không tìm gặp.

Hôm ấy, rượu Vú Nàng thơm ngon lạ thường, hải sản ngọt lịm nhưng vẫn không làm tôi ngây ngất bằng những nắm cát vàng ông Lưu khoe đã mang về từ các đảo ở Hoàng Sa. Lưu kể, vào những ngày đầu tháng ba yên bình năm 2011, cha con ông đã vào Hoàng Sa, mang hương lên thắp ở đảo Ông Già, Trụ Cẩu... khấn vái thổ địa, hương linh ông bà, các thế hệ cha anh là con dân Lý Sơn đã nằm lại ngoài đấy để rồi xin xúc những bao cát vàng về... làm kỷ niệm.
Yêu biển, nhớ đảo như cha con ông Lưu thì không thể có mỹ từ nào diễn tả hơn. Nói như Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trong lần phát biểu tại lễ thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải: “Vùng biển Hoàng Sa như cái ao làng, như ruộng lúa, như vườn rau... của ngư dân Lý Sơn. Hoàng Sa không chỉ là ngư trường đánh bắt truyền thống, là nơi tìm miếng cơm, manh áo cho gia đình, mà còn là nghĩa trang của bao thế hệ con dân Lý Sơn, ngư dân ven biển miền Trung”.
Bởi vậy, dù Hoàng Sa luôn tràn đầy trong ký ức, trong toan tính thường trực của ông Lưu mỗi ngày để lo đường cơm áo, ra biển đánh bắt hải sản, nhưng cứ vào bờ ông lại cảm thấy trống vắng, nhớ biển, nhớ Hoàng Sa.
Những nắm cát vàng ươm ông mang về từ quần đảo tươi đẹp mà trầm luân của tổ quốc trở thành vô giá, là chỗ dựa tinh thần cho ông trong những ngày biển động.
Ngoài ra, ông Lưu còn kỳ công chở một gốc cây phong ba khô từ đảo Phú Lâm về đặt trang trọng giữa phòng khách để có cảm giác luôn gần với Hoàng Sa.
Tôi chợt liên tưởng việc ông Lưu mang những nắm cát vàng, gốc cây phong ba từ Hoàng Sa về nhà mình cũng giống như HĐND TP.Đà Nẵng quyết định đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa cho những con đường to đẹp nhất ven biển.
Như Quảng Nam đặt tên trường tiểu học ở một địa phương ven biển là Hoàng Sa, như Quảng Ngãi đem các chương trình giáo dục lịch sử, văn hoá, địa lý Hoàng Sa vào các trường học, như Quân chủng Hải quân vẫn tặng đá chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho các tỉnh ven biển..., như những nhà nghiên cứu, giới trí thức đang cùng nhà nước tìm những vật chứng, tài liệu để minh chứng Hoàng Sa có chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Chia tay nhau, ông Lưu hẹn sẽ cập cảng Đà Nẵng để được gặp lại. Cái bắt tay siết chặt, thân tình của Lưu làm tôi chợt sợ, trộm lo đấy là lần chia tay cuối cùng với anh. Bởi mỗi lần ra khơi là một lần đối mặt với bao hiểm nguy biển cả, thiên tai.
Những năm gần đây, ngư dân luôn đối mặt thêm với mối hiểm nguy mới có tên "tàu lạ". Tôi chạnh lòng, thương mến Mai Phụng Lưu - con người cô độc này vô cùng. Có lẽ như đoán được điều gì đấy mơ hồ qua ánh nhìn của tôi, Lưu động viên ngược lại: "Tôi sẽ ghé Đà Nẵng trong chuyến cập bờ tới, mình sẽ nhậu cá đem về từ Hoàng Sa, anh giới thiệu cho tôi được gặp Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ nhé. Tôi sẽ xin ông ấy công nhận tôi là công dân chính thức của Hoàng Sa".

Thật ra, cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm, Sở Nội vụ, Văn phòng đại diện UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng lại họp mặt những nhân chứng từng sống, làm việc tại Hoàng Sa vào dịp cận Tết Nguyên đán.
Thành viên này đăng ký ở UBND huyện đảo Hoàng Sa mỗi năm thêm vài người mới phát hiện, nhưng danh sách ấy lại bị ngắn đi, bởi nhiều cụ đã quá tuổi ở dương trần. Trong khi đó, những công dân của huyện đảo Hoàng Sa đương đại, đang sống, bám biển và khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa phần lớn lại là ngư dân của Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Bởi vậy, khi ngư dân Mai Phụng Lưu đề nghị được đăng ký là công dân chính thức của Hoàng Sa đã làm chúng tôi thực sự xúc động. Khi nói ra đề nghị ấy, ông Lưu không hề có chút ý bông đùa. Tất nhiên, chẳng cần thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết như nhập khẩu về Đà Nẵng, Mai Phụng Lưu và hàng ngàn ngư dân khác của Quảng Ngãi vẫn là công dân của Hoàng Sa rồi.
Vùng biển Hoàng Sa như cái ao làng, như ruộng lúa, như vườn rau... của ngư dân Lý Sơn. Hoàng Sa không chỉ là ngư trường đánh bắt truyền thống, là nơi tìm miếng cơm, manh áo cho gia đình, mà còn là nghĩa trang của bao thế hệ con dân Lý Sơn, ngư dân ven biển miền Trung.
Chủ tịch LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng
Thanh Hải (Lao động)



Trưng bày 300 tư liệu chủ quyền Hoàng Sa

14/12/2011 16:36

(VTC News) - Bảo tàng Đà Nẵng đang chuẩn bị cho công tác tổ chức trưng bày các tư liệu, hình ảnh về chủ quyền Hoàng Sa qua các thời kỳ.
Bảo tàng Đà Nẵng sẽ dành hơn 500m2 diện tích tại tầng 3 để thực hiện trưng bày các hiện vật, tài liệu chuyên đề về Hoàng Sa theo 8 nhóm chủ đề.

Các chủ đề gồm: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; Hoàng Sa trong thư tịch cổ Việt Nam trước thời Nguyễn; Trong thư tịch thời Nguyễn; Trong tư liệu của Trung Quốc và phương Tây minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử…
Trưng bày 300 tư liệu chủ quyền Hoàng Sa
Đại Nam nhất thống họa đồ được vẽ khoảng năm 1838 có ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam 

Đặc biệt, hàng trăm tư liệu, hiện vật quý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa như thư, dụ, chiếu, bản đồ… do những người tâm huyết đã dày công sưu tầm, gìn giữ sẽ được trưng bày tại đây.
Trưng bày 300 tư liệu chủ quyền Hoàng Sa
Mô hình thuyền bầu của Hải đội Hoàng Sa 

Hoạt động không chỉ có giá trị về mặt tham quan du lịch mà còn giúp người xem có cái nhìn cụ thể, chi tiết về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa từ xa xưa.
Trưng bày 300 tư liệu chủ quyền Hoàng Sa
An Nam đại quốc họa đồ được vẽ dưới thời Nguyễn

Trưng bày 300 tư liệu chủ quyền Hoàng Sa
Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa của Việt Nam được người Pháp dựng năm 1938 

Dự kiến, hoạt động trưng bày về Hoàng Sa lần này là triển lãm lớn nhất từ trước đến nay với khoảng hơn 300 tư liệu, hình ảnh và hiện vật. Triển lãm sẽ ra mắt phục vụ người dân và khách tham quan vào dịp 30/4/2012, nhân kỷ niệm 37 năm giải phóng TP Đà Nẵng.

Bửu Lân