Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013


Đoan Trang - Một nỗ lực để Hoàng Sa-Trường Sa luôn trong tim


Đoan Trang
hs_-ts_la_cua_vn.jpg

Ảnh FB Lan Le
Ngày 14-3 năm nay sẽ là một ngày đáng nhớ đối với tất cả những người Việt Nam quan tâm đến quan hệ Việt-Trung và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta: Đó là ngày đánh dấu tròn 25 năm trận hải chiến Trường Sa (14-3-1988). Nhân sự kiện này, một nhóm các nhà nghiên cứu, nhóm Trúc Nam Sơn, sẽ công bố cuốn sách mới về Biển Đông, mang tựa đề “Để đảo xa thành đảo gần”.
Cuốn sách là kết quả công sức hơn một năm qua của nhóm Trúc Nam Sơn. Dung lượng không quá đồ sộ (hơn 100 trang), nhưng nói về nội dung thì đó là một tài liệu có thể được đánh giá bằng những tính từ như: đầy thông tin, tỉ mỉ, chi tiết.
Dựa vào các dữ liệu trong cuốn “Hàng hải chỉ nam – Biển Đông và Vịnh Thái Lan” do Cục Tình báo Địa Vệ tinh (2011) của quân đội Mỹ, và những bức ảnh chụp qua vệ tinh của Google, nhóm tác giả đã biên soạn nên một “bộ hồ sơ tổng hợp” về những đảo, đá, nhóm đảo, bãi ngầm, bãi cạn, cồn, rạn san hô… trên một diện tích bao trùm Biển Đông, đặc biệt là khu vực hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Nếu bạn quan tâm đến tranh chấp Biển Đông thì có thể coi đây là một cuốn từ điển địa lý thích hợp cho bạn, vì các dữ liệu liên quan đến từng địa điểm đều được trình bày cụ thể: tên (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng khác nếu có), hình ảnh trên vệ tinh Google, toạ độ, diện tích hoặc kích thước, mô tả sơ qua về cấu trúc địa lý, bên tranh chấp nào đang kiểm soát. Ví dụ, nếu tra cứu những thông tin liên quan đến địa danh Gạc Ma, bạn sẽ được biết Gạc Ma là một rạn đá (reef) có tên tiếng Anh là Johnson, nằm ở đầu tây nam của cụm Sinh Tồn (Union Atoll). Gạc Ma “là đá núi lửa màu nâu với san hô trắng viền rìa bên trong”, “bao bọc không hoàn toàn một phá cạn có lối vào từ hướng đông bắc”. Tài liệu cũng nêu rõ, mỏm đá lớn nhất trên rạn đá cao 1,2 mét, một số mỏm khác lộ trên mặt nước, phần đông nam của rạn đá; phần còn lại nằm dưới mặt nước. Gạc Ma nằm ở toạ độ 9 độ 42 phút vĩ Bắc và 114 độ 7 phút kinh Đông.
Gạc Ma đã mất vào tay Trung Quốc sau cuộc xâm chiếm đẫm máu ngày 14-3-1988. Cũng trong cuộc xâm chiếm đó, quân xâm lược Trung Quốc còn tấn công các tàu vận tải và công binh Việt Nam tại đá Cô Lin (Collins Reef) và Len Đao (Landsdowne Reef), nhưng ta giữ được hai nơi này. Cô Lin, như được thông tin trong cuốn sách, là “một rạn đá nhỏ với một cồn cát san hô ở phần đông nam”, “nằm cách Gạc Ma 1,5 hải lý về phía tây bắc”, “tách biệt với Gạc Ma bởi một kênh có đáy san hô tương đối sâu”.
Đặc biệt, sách còn cung cấp thông tin về những khu vực nguy hiểm, kèm cảnh báo cho người đi biển; ví dụ, “Có cả một vùng hình chữ nhật diện tích 52.000 hải lý vuông ở mạn đông nam của Biển Đông (và phía tây bắc của hành lang Palawan), gọi là Dangerous Ground (Khu vực Nguy hiểm). Tại đây, chưa có khảo sát hệ thống nào, và rất có thể có những mảng san hô và bãi cát ngầm; chưa kể nhiều đảo ở đây còn là đối tượng để tranh chấp chủ quyền”.
Đúng như cái tên “Để đảo xa thành đảo gần”, với những dữ liệu, hình ảnh vệ tinh và bản đồ, cuốn sách đã mang lại cho độc giả một hình dung tổng quan về Trường Sa, Hoàng Sa, cùng hàng chục địa danh liên quan trên Biển Đông. Sách cũng còn nhiều chỗ có thể khó hiểu với quảng đại độc giả. Điều này là do bản thân vấn đề biển đảo, địa lý, hàng hải, đã khá phức tạp, với nhiều thuật ngữ chuyên môn chưa bao giờ được Việt hoá một cách thống nhất, ví dụ như khái niệm tương ứng trong tiếng Việt của isle, island, rock… Tuy nhiên dù sao, đây vẫn là một tài liệu thích hợp cho việc tra cứu, tham khảo.
Nhóm tác giả gồm một số nhà nghiên cứu trẻ, biên soạn cuốn sách với mục đích góp phần giúp độc giả thêm hiểu, thêm yêu Biển Đông, cũng là để đóng góp một sản phẩm khoa học vào ngày tưởng niệm 25 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma. Một thành viên của nhóm cho biết, tên “Trúc Nam Sơn” được lấy cảm hứng từ một câu trong “Bình Ngô Đại Cáo” của nhà quân sự, tư tưởng Nguyễn Trãi:
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi…
Đoan Trang

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Phản đối mọi hoạt động tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được Việt Nam đồng ý


Phản đối mọi hoạt động tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được Việt Nam đồng ý
Cập nhật lúc 21:13, Thứ năm, 07/03/2013 (GMT+7)
 Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 7-3-2013, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua một số tàu Hải tuần của Trung Quốc thực hiện tuần tra tại Biển Ðông, trong đó có khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:
 "Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  
 Mọi hoạt động tại các khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối".


DANH SÁCH ANH HÙNG LIỆT SĨ ĐÃ HY SINH CHO TỔ QUỐC TRƯỜNG TỒN 
TRONG TRẬN HẢI CHIẾN TRƯỜNG SA NGÀY 14-3-1988

1. Trần Văn Phương 1965 Thiếu uý B trưởng 3-1983 Gạc Ma Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình

2. Trần Đức Thông 1944 Trung tá Lữ phó Gạc Ma Minh Hoà, Hưng Hà, Thái Bình

3. Nguyễn Mậu Phong 1959 Thượng uý B trưởng 11-1977 Gạc Ma Duy Ninh, Lệ Ninh, Quảng Bình

4. Đinh Ngọc Doanh 1964 Trung uý B trưởng 9-1982 Gạc Ma Ninh Khang, Hoa Lư, Ninh Bình (Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hoà)

5. Hồ Công Đệ 1958 Trung uý (QNCN) Y sĩ 2-1982 Gạc Ma Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hoá

6. Phạm Huy Sơn 1963 Chuẩn uý (QNCN) Y sĩ 2-1982 Gạc Ma Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An

7. Nguyễn Văn Phương 1969 Trung sĩ Cơ yếu 3-1987 Gạc Ma Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình

8. Bùi Bá Kiên 1967 Trung sĩ Chiến sĩ 3-1986 Gạc Ma Văn Phong, Cát Hải, Hải Phòng

9. Đào Kim Cương 1967 Trung sĩ Báo vụ 2-1985 Gạc Ma Vương Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh

10. Nguyễn Văn Thành 1967 Trung sĩ Chiến sĩ 3-1982 Gạc Ma Hương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh

11. Đậu Xuân Tứ (Tư) 1964 Trung sĩ Chiến sĩ 3-1985 Gạc Ma Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An

12. Lê Bá Giang 1968 Hạ sĩ Báo vụ 3-1987 Gạc Ma Hưng Dũng, Vinh, Nghệ An

13. Nguyễn Thanh Hải 1967 Hạ sĩ Quản lý 3-1986 Gạc Ma Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh

14. Phạm Văn Dương 1967 Hạ sĩ A trưởng 3-1986 Gạc Ma Nam Kim 3, Nam Đàn, Nghệ An

15. Hồ Văn Nuôi 1967 Trung sĩ Chiến sĩ 8-1985 Gạc Ma Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An

16. Cao Đình Lương 1967 Trung sĩ A trưởng 8-1985 Gạc Ma Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An

17. Trương Văn Thịnh 1966 Trung sĩ Chiến sĩ 8-1985 Gạc Ma Bình Kiến, Tuy Hoà, Phú Yên

18. Võ Đình Tuấn 1968 Trung sĩ Quản lý 8-1986 Gạc Ma Ninh Ích, Ninh Hoà, Khánh Hoà

19. Phan Tấn Dư 1966 Trung sĩ Báo vụ 2/1986 Gạc Ma Hoà Phong, Tây Hoà, Phú Yên

20. Vũ Phi Trừ 1955 Đại uý Thuyền trưởng HQ604 Đội 10, Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hoá

21. Vũ Văn Thắng Thượng uý Thuyền phó HQ604 Văn Hàn, Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình

22. Phạm Gia Thiều 1962 Thượng uý Thuyền phó HQ604 Hưng Đạo, Đông Hạ , Nam Ninh , Nam Định

23. Lê Đức Hoàng 1962 Trung uý Thuyền phó HQ604 Nam Yên, Hải Yên, Tĩnh Gia, Thanh Hoá

24. Trần Văn Minh 1962 Thiếu úy (QNCN) Máy trưởng HQ604 Đại Tân, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An

25. Đoàn Khắc Hoành 1959 Thượng sĩ Trưởng thông tin HQ604 163 Trần Nguyên Hãn, Q. Lê Chân, Hải Phòng

26. Trần Văn Chức 1965 Hạ sĩ Nv cơ điện HQ604 Đội 1, Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình

27. Hán Văn Khoa 1962 Trung sĩ Nv cơ điện HQ604 Đội 6, Văn Lương, Tam Nông, Phú Thọ

28. Nguyễn Thanh Hải 1968 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Mỹ Ca, Chính Mỹ, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng

29. Nguyễn Tất Nam 1967 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Thường Sơn, Đô Lương, Nghệ An

30. Trần Khắc Bảy 1967 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Lê Hồ, Kim Bảng, Hà Nam

31. Đỗ Viết Thành 1964 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Thiệu Tân, Đông Sơn, Thanh Hoá

32. Nguyễn Xuân Thuỷ 1967 Hạ sĩ Chiến sĩ HQ604 Phú Linh, Phương Đình, Trực Ninh , Nam Định

33. Nguyễn Minh Tân 1956 Thượng uý E83 công binh HQ604 Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình
34. Võ Minh Đức 1968 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Liên Thuỷ, Lệ Ninh, Quảng Bình

35. Trương Văn Hướng 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Hải Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình

36. Nguyễn Tiến Doãn Binh nhất A trưởng E83 HQ604 Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình

37. Phan Hữu Tý 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Phong Thuỷ, Lệ Thủy, Quảng Bình

38. Nguyễn Hữu Lộc 1968 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 22 Hoà Cường, Đà Nẵng

39. Trương Quốc Hùng 1967 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 55, Hoà Cường, Đà Nẵng

40. Nguyễn Phú Đoàn 1968 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 47, Hoà Cường, Đà Nẵng

41. Nguyễn Trung Kiên 1968 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Nam Tiến, Nam Ninh , Nam Định

42. Phạm Văn Lợi 1968 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Tổ 53, Hoà Cường, Đà Nẵng

43. Trần Văn Quyết 1967 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 Quảng Thuỷ, Quảng Trạch, Quảng Bình

44. Phạm Văn Sỹ 1968 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 7, Hoà Cường, Đà Nẵng

45. Trần Tài 1969 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 12, Hoà Cường, Đà Nẵng

46. Lê Văn Xanh 1967 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 38, Hoà Cường, Đà Nẵng

47. Lê Thể 1967 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 tổ 29 An Trung Tây, Đà Nẵng

48. Trần Mạnh Việt 1968 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 Tổ 36, Bình Hiên, Đà Nẵng

49. Trần Văn Phòng 1962 Thượng uý C trưởng E83 HQ604 Minh Tân, Kiến Xương, Thái Bình

50. Trần Quốc Trị 1955 Binh nhất A trưởng E83 HQ604 Đông Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình

51. Mai Văn Tuyến 1968 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 Tây An, Tiền Hải, Thái Bình

52. Trần Đức Hoá 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình

53. Phạm Văn Thiềng 1967 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Đông Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình

54. Tống Sỹ Bái 1967 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Khóm 3, phường 1, Đông Hà, Quảng Trị

55. Hoàng Anh Đông 1967 Binh nhì Chiến sĩ E83 HQ604 Khóm 2, phường 2, Đông Hà, Quảng Trị

56. Trương Minh Phương 1963 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình

57. Hoàng Văn Thuý 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Hải Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình

58. Võ Văn Tứ 1966 Binh nhất Chiến sĩ E83 HQ604 Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình

59. Phan Hữu Doan 1960 Trung uý Thuyền phó HQ605 Chí Tiên, Thanh Hòa, Phú Thọ

60. Bùi Duy Hiển 1966 Trung sĩ Báo vụ HQ605 Thị trấn Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình

61. Nguyễn Bá Cường 1962 Thượng sĩ Học viên HVHQ HQ605 Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam

62. Kiều Văn Lập 1963 Thượng sĩ Học viên HVHQ HQ605 Phú Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội

63. Lê Đình Thơ 1957 Thượng uý (QNCN) Nv đoàn 6 HQ605 Hoằng Minh, Hoằng Hoá, Thanh Hoá

64. Cao Xuân Minh 1966 Binh nhất Chiến sĩ đoàn 6 HQ605 Hoằng Quang, Hoằng Hoá, Thanh Hoá.

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013


Khác biệt ý kiến giữa Dương Danh Huy và Trương Nhân Tuấn về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông

Dương Danh Huy
Xin được tiếp tục giới thiệu tới độc giả cuộc tranh luận giữa hai quan điểm khác biệt trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông của hai nhà nghiên cứu Dương Danh Huy và Trương Nhân Tuấn.

1. Sự khác biệt ý kiến

Gần đây talawas đăng một số bài nêu lên một số khác biệt ý kiến giữa tôi và ông Trương Nhân Tuấn về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông[1].
Theo tôi hiểu, sự khác biệt giữa tôi và ông Trương Nhân Tuấn đại khái như sau - xin lỗi nếu thật sự là tôi hiểu lầm.
Trước hết, tồn tại một sự khác biệt liên quan tới đường cơ sở 1982 của Việt Nam:

Bản đồ 1: Đường cơ sở 1928 của Việt Nam
Ông Trương Nhân Tuấn cho là đường cơ sở đó phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và có lợi cho Việt Nam. Tôi cho là đường cơ sở đó không phù hợp với UNCLOS và không có lợi cho Việt Nam.
Trong tương lai tôi sẽ viết về đường cơ sở 1982 của Việt Nam. Trong bài này tôi sẽ viết về sự khác biệt ý kiến liên quan tới HSTS, có lẽ là sự khác biệt quan trọng hơn. Sự khác biệt này đại khái như sau.

1.1 Quan điểm của Dương Danh Huy

Tôi muốn Việt Nam giành được/giữ được:
  • (a) Chủ quyền đối với các đảo HSTS;
  • (b) Lãnh hải 12 HL chung quanh mỗi đảo (các chấm xanh lá cây ở HSTS);
  • (c) Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 HL từ lãnh thổ khác với HSTS (vùng trong phạm vi “Approximate 200 nm limit” dọc bờ biển Việt Nam);
  • (d) Thềm lục địa (TLĐ) từ lãnh thổ khác với HSTS (hiện nay chúng ta chưa biết Việt Nam sẽ đòi hỏi gì và Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa sẽ chấp nhận gì).

Bản đồ 2: Lãnh hải 12 HL của HSTS và EEZ 200 HL từ những vùng lãnh thổ khác
Có người hiểu lầm là chủ trương của tôi là giải pháp chia Biển Đông theo đường trung tuyến trong sách Sharing the Resources of the South China Sea, xuất bản năm 1997.
Thật ra chủ trương của tôi dựa dựa trên hai nguyên tắc:
  • Các đảo HSTS chỉ được 12 HL: nguyên tắc này là điểm (b);
  • Tuân thủ UNLOS: nguyên tắc này dẫn đến điểm (c) và (d).
Hai nguyên tắc này đã được luật sư Mỹ Brice Clagett áp dụng cho Biển Đông vào năm 1995 trên tạp chí quốc tế Oil & Gas Law and Taxation Review.
Điểm (b) và (c) được áp dụng trong một bản đồ chia Biển Đông của Department of State Mỹ, được đăng lại trên một ấn phẩm của International Boundary Research Unit, ĐH Durham, Anh, vào năm 1996.
Tức là chủ trương của tôi không phải là giải pháp chia Biển Đông theo đường trung tuyến của Valencia, mà dựa trên những nguyên tắc khác và có trước giải pháp chia Biển Đông theo đường trung tuyến của Valencia.
Việc giải quyết (c) và (d) trước hay song song với (a), thay vì sau (a), là hệ quả tất nhiên của cách tách vấn đề ra thành (a), (b), (c), (d).

1.2. Quan điểm của Trương Nhân Tuấn

Theo tôi hiểu, ông Trương Nhân Tuấn muốn Việt Nam giành được/giữ được:
  • (e) Chủ quyền đối với các đảo HSTS;
  • (f) Các đảo HS, TS được đầy đủ EEZ, thềm lục địa, eg, EEZ 200 HL từ HS, TS, hay tới trung tuyến giữa HS, TS và các vùng lãnh thổ khác;
  • (g) EEZ 200 HL từ lãnh thổ khác với HSTS;
  • (h) Thềm lục địa từ lãnh thổ khác với HSTS.
Như vậy đại khái Việt Nam sẽ có một cái “lưỡi bò liếm ngang” từ bờ biển Việt Nam tới sát bờ biển Philippines, Malaysia và Brunei (tới trung tuyến giữa TS và các nước này).
Trên thực tế nhiều người cũng có quan điểm này - đối với những người không quan tâm nhiều về UNCLOS thì quan điểm đó ở dạng mơ hồ kiểu “vùng biển HS, TS là của Việt Nam”.
Lưu ý là (a) không khác gì (e):
  • Tôi không đề nghị nhường đảo cho các nước khác;
  • Tôi không bao giờ nói không cần bảo vệ chủ quyền đối với HSTS;
  • Ngược lại, trong một bài của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông trên VNN[2] chúng tôi nói, “Song song với việc thực hiện những mục đích này, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cố gắng bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông một cách triệt để.
Chỉ có (b) khác (f).

2. Khía cạnh pháp lý của sự khác biệt b-f

Theo UNCLOS:
  • Đảo” được hưởng quy chế EEZ 200 HL và TLD;
  • Đá” không tự có đủ điều kiện cho sự cư trú và đời sống kinh tế riêng không được hưởng quy chế EEZ 200 HL và TLD.
Nhưng UNCLOS không quy định thế nào là “điều kiện cho sự cư trú” và “đời sống kinh tế riêng”. Điều này dẫn tới nhiều tranh cãi.
Quan trọng không kém, UNCLOS quy định là nếu có tranh chấp do chồng lấn thì các bên tranh chấp phải giải quyết một cách công bằng.
Nhưng UNCLOS lại không quy định thế nào là “công bằng”.
Trên thực tế, mỗi khi tranh chấp được đưa ra Toà án Công lý Quốc tế thì Toà sẽ quyết định thế nào là công bằng. Để phán quyết, Toà sẽ dùng những luật có thể áp dụng cho tranh chấp, eg, các công ước, customary laws, các án lệ, và khi cần thì diễn giải dựa trên tập quán ngoại giao.
Điểm quan trọng ở đây là muốn biết, trong trường hợp chồng lấn, đảo được bao nhiêu EEZ và TLD mới công bằng thì phải thảm khảo các tiền án của Toà và tham khảo các thoả thuận giữa các nước. Những yêu sách đơn phương không phải là chuẩn mực cho sự công bằng mà UNCLOS đòi hỏi.
Tôi đã đưa ra 1 số dẫn chứng tại sao (b) phù hợp với luật quốc tế và tập quán ngoại giao hơn (f) như sau.

2.1. Trong bài “Chủ quyền Việt Nam ở vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, Vũng Mây”[3]

Tôi và ông Lê Minh Phiếu đưa ra 3 dẫn chứng: các phiên toà Lybia/Malta, Vịnh Maine và Guniea/Guniea-Bissau.
Ông Trương Nhân Tuấn nói, “các bằng chứng này không đúng với sự thật” và “Tác giả Dương Danh Huy đưa chứng từ sai - một lỗi học thuật rất nặng”[4].
Tôi có thể đi vào chi tiết cụ thể, nhưng tạm nói là 3 dẫn chứng đó được luật sư Mỹ Brice Clagett dùng trong bài viết về vùng Thanh Long (thuộc Nam Côn Sơn), Tư Chính. Ai có nhu cầu thì có thể đọc bài của Brice Clagett trên tạp chí quốc tế Oil & Gas Law and Taxation Review 1955.
Brice Clagett là một luật sư tài ba của Mỹ chuyên về tranh chấp quốc tế[5]. Ông đã từng giúp Campuchia thắng đền thờ Preah Vihear trong phiên toà quốc tế với Thái Lan. Bài viết của ông được đăng trên tạp chí học thuật quốc tế và được nhiều bài viết khác trên các tạp chí học thuật quốc tế trích dẫn.
Khi ông Trương Nhân Tuấn nói, “các bằng chứng này không đúng với sự thật” và “Tác giả Dương Danh Huy đưa chứng từ sai - một lỗi học thuật rất nặng”, thì tôi tạm nói là tôi tin tưởng vào bài của LS Brice Clagett hơn.

2.2. Trong bài “Tranh chấp Biển Đông và vai trò của LHQ”[6]

Tôi và các tác giả đưa ra một dẫn chứng ngoại giao (ranh giới thềm lục địa giữa Italy và Tunisia) và một dẫn chứng phán quyết của Toà quốc tế (ranh giới thềm lục địa giữa Anh và Pháp).
Trong hai trường hợp này, những đảo lớn tới 83 km² (Pantelleria của Ý) hay 78 km² (Guernsey của Anh) cũng chỉ được 12 tới 13 HL trong việc phân định thềm lục địa.
Như vậy thì Việt Nam khó có thể đòi được EEZ 200 HL cho các đảo HS (mỗi đảo dưới 2.5 km²) hay TS (mỗi đảo dưới 0.5 km²).

Bản đồ 3: Ranh giới thềm lục địa Italy-Tunisia được hoạch định qua đàm phán


Bản đồ 4: Phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế về ranh giới thềm lục địa Anh-Pháp
Ngược lại, nếu Trung Quốc đòi EEZ 200 HL cho các đảo HSTS thì đòi hỏi đó cũng không phù hợp với luật quốc tế và tập quán ngoại giao.
Nếu Trung Quốc đòi hỏi như thế để lấn vào EEZ hay TLD từ lãnh thổ khác của Việt Nam thì chúng ta phải nêu lên sự không phù hợp đó. Như vậy sẽ thuyết phục với thế giới hơn là nói “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, vì các nước ngoài tranh chấp có quan điểm trung lập về HSTS là của nước nào.
Thêm nữa, cũng trong bài “Tranh chấp Biển Đông và vai trò của LHQ”, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đưa ra ý kiến là yêu cầu Toà án Công lý Quốc tế ban một Ý kiến Tư vấn xác định là các đảo HSTS được bao nhiêu HL (hay là các nước trong tranh chấp thoả thuận với nhau là bao nhiêu HL). Như vậy sẽ hợp lý nhất, thuyết phục nhất, công bằng nhất, dù là Ý kiến Tư vấn của Toà là 12 HL hay 24, 48, 96, 200, v.v…

2.3. Tản mạn khía cạnh pháp lý

2.3.1. Rockall

Ông Trương Nhân Tuấn đưa hòn Rockall ra để ủng hộ quan điểm EEZ 200 HL cho các đảo nhỏ.
Khi Anh tuyên bố đơn phương EEZ 200 HL cho Rockall thì cả 3 nước lân cận (Ireland, Iceland, Denmark) đều không công nhận. Tỷ lệ “không công nhận”/”công nhận” là 3/1.
Tới năm 1997, Anh rút lại tất cả đòi hỏI EEZ và TLD dựa trên Rockall. Ranh giới TLD của Anh được tính từ các đảo khác của Scotland, không tính tới Rockall. Rockall hoàn toàn không có hiệu lực trong việc tính EEZ hay TLD[7]. Tức là nếu tuân thủ UNCLOS thì tỷ lệ “không công nhận”/”công nhận” là 4/0.

2.3.2. Vụ BP và Exxon

Đảo Trường Sa có diện tích dưới 0.25 km². Như vậy, nếu cho là đảo Trường Sa có EEZ 200 HL và TLD để chồng lấn lên vùng Tư Chính thì vô lý, để chồng lấn lên các lô 5.2, 5.3 thì cũng không có lý hơn.
Cũng xin nói thêm là khi Trung Quốc áp lực BP rút ra khỏi vùng Nam Côn Sơn vào năm 2007 thì (theo tôi nhớ) Bộ Ngoại giao Việt Nam, qua ông Lê Dũng, không đề cập tới lý lẽ trên mà chỉ tuyên bố như thường lệ là Việt Nam có đầy đủ lý lẽ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Khi Trung Quốc áp lực Exxon không được hợp tác với Việt Nam vào năm 2008 thì Bộ Ngoại giao Việt Nam, qua Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, mới nói là vùng hợp tác nằm trong vùng EEZ 200 HL của Việt Nam.
Ông Trương Nhân Tuấn khẳng định rằng BP và Exxon rút lui là vì các công ty này cho rằng lý lẽ chủ quyền của Trung Quốc hợp lý. Có vẻ ông Trương Nhân Tuấn cũng cho rằng đó là lỗi của lý lẽ rằng các lô 5.2, 5.3 và Tư Chính thuộc về lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam, không liên quan tới TS[8]:
Nhưng thái độ của BP và ExxonMobil, dầu sao cũng là các tập đoàn khai thác dầu khí lớn nhất nhì thế giới của Anh và Hoa Kỳ, họ chỉ nhưọng bộ nếu các lý lẽ phía Trung Quốc là hợp lý.
Đây là hậu quả của một sự sơ suất to lớn, phía Việt Nam dường như không hề màng đến các lý lẽ của Trung Quốc, sai lầm kéo dài từ năm 1958 đến nay.
Tôi cho rằng khẳng định như vậy là sai.
Thứ nhất, các nước ngoài tranh chấp và các công ty dầu khí có quan điểm trung lập về chủ quyền đối với HSTS, cho nên nếu Việt Nam tuyên bố rằng các lô 5.2, 5.3 và Tư Chính là của Việt Nam vì các vùng này thuộc về TS và TS là của Việt Nam, thì chẳng ai sẽ tin (vì quốc tế trung lập về TS).
Tuyên bố kiểu đó chỉ tạo cớ cho Trung Quôc tranh chấp nhiều biển Việt Nam thêm.
Thứ nhì, theo báo South China Morning Post thì Exxon tin tưởng vào lý lẽ chủ quyền của Việt Nam, nhưng họ không dám bỏ qua lời cảnh báo của Trung Quốc[9]:
The article, which cited “sources close to the U.S. firm”, said Chinese diplomats in Washington had made repeated verbal protests to Exxon Mobil executives in recent months, and warned them its future business interests on the mainland could be at risk.
The protests involve a preliminary co-operation agreement between state oil firm PetroVietnam and Exxon Mobil covering exploration in the South China Sea off Vietnam’s south and central coasts, the article said.
It did not state when the co-operation agreement was signed.
The report quoted the unnamed sources as saying Exxon Mobil was confident of Vietnam’s sovereign rights to the blocks it was exploring, but it could not dismiss China’s warnings out of hand.
Như vậy, có lẽ nếu cho rằng (khác với khẳng định) Exxon không dám tiến hành là vì Trung Quốc đe doạ quyền lợi thương mại của họ thì hợp lý hơn.

Bản đồ 5: Vùng 12 HL của TS không tới Tư Chính - Vũng Mây. 24 hay 48 HL cũng chỉ tới một góc nhỏ. 100 HL cũng không tới lô 5.2, 5.3

3. Khía cạnh chiến lược của sự khác biệt b-f

3.1. Về chủ trương (e) tới (h), tức là quan điểm của Trương Nhân Tuấn

Nếu thực hiện được (e) tới (h) thì quá tốt cho Việt Nam. Điều đó tương đương với Việt Nam thực hiện được một cái lưỡi bò liếm ngang từ bờ biển Việt Nam tới sát bờ biển Philippines, Malaysia và Brunei (tới trung tuyến giữa TS và các nước này). Nếu được vậy thì ai chẳng muốn. Tôi cũng sẵn sàng vứt hết Luật Biển để đổi lấy cái lưỡi bò liếm ngang đó.
Nhưng có khả thi không?
Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có sẽ bao giờ để cho Việt Nam thực hiện cái lưỡi bò đó không?
Đến thiên niên kỷ nào thì nước Việt Nam của chúng ta mới mạnh đủ để áp đặt cái lưỡi bò đó lên tất cả các nước này?
Có ai có thể đưa ra phương cách nào để áp đặt như vậy hay thuyết phục những nước này không?
Giả sử Việt Nam có chính phủ khác, đổi tên thành Cộng hoà Tư bản Chủ nghĩa Việt Nam, tuyên bố là hậu duệ của Việt Nam Cộng hoà thì cũng không thuyết phục được các nước kia về cái lưỡi bò liếm ngang, hay áp đặt được nó lên các nước này.
Tôi cho là chủ trương (e) tới (h) hoàn toàn không khả thi.
Ngược lại, theo đuổi cái lưỡi bò liếm ngang đó sẽ không bao giờ tới đích, và
  • (a) Biển Đông sẽ trong tình hình tranh chấp “mãi”;
  • (b) Việt Nam sẽ không bao giờ được các nước Đông Nam Á hay các nước ngoài tranh chấp ủng hộ.
Và Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình đó để chiếm dần chiếm mòn, cho tới khi dẫn tới diệt vong cho Việt Nam ở Biển Đông.
Khía cạnh ngoại giao đã được nhiều người nhắc tới. Nhưng nếu Việt Nam chủ trương cái lưỡi bò liếm ngang thì nước nào dại gì “ngoại giao” với ta để ta thực hiện cái lưỡi bò liếm ngang đó?

3.2. Về chủ trương (a) tới (d), tức là quan điểm của Dương Danh Huy

Tôi thấy nếu Việt Nam thực hiện được (a) tới (d) là phúc đức quá rồi. Tôi chỉ sợ là không được.
Nhiều người phê bình là (a) tới (d) không khả thi. Có thể là họ đúng. Nhưng nếu vậy thì từ chủ trương (e) tới (h), tức là cái lưỡi bò liếm ngang, có khả thi hơn chút nào không?
Nhiều người cho là tiếc nếu Việt Nam “bỏ” EEZ 200 HL “của” các đảo HSTS.
Nhưng hãy xem lại phần 2 của bài này và liệt kê những trường hợp khác.
Có thật là HSTS phải có EEZ 200 HL mới là công bằng không?
Nếu không phải thì tại sao lại tiếc cái không phải của mình?
Quan trọng hơn, tại sao vì tiếc cái không phải của mình mà để bị mất cái của mình? Có giống như người ham bắt bóng trăng phản chiếu dưới nước, để rơi tiền trong túi không?
Có lẽ nếu xin Ý kiến Tư vấn của Toà về HSTS được bao nhiêu hải lý, như Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đề nghị, và yêu sách EEZ cho HSTS dựa trên Ý kiến Tư vấn đó thì sẽ vừa hợp lý nhất, vừa làm cho hết tiếc.
Trong ngoại giao phải có gì cho nhau. Tốt nhất là mỗi nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia giúp các nước khác trong nhóm này giành được những gì không phải của nước giúp. Chủ trương (a) tới (d) thực hiện được điều đó.

4. Cách tiếp cận sự khác biệt

Tôi thấy sự khác biệt ý kiến giữa tôi và ông Trương Nhân Tuấn cũng bình thường. Và có sự khác biệt thì cũng tốt.
Trong các bài viết HSTSBĐ tôi viết và viết chung trên báo chí và trên Minh Biện cho tới nay hoàn toàn không có bình luận về nhân phẩm hay các bài viết của ông Trương Nhân Tuấn. Tôi cho là điều đó không cần thiết. Chỉ có bài này bình luận về một số ý kiến trong các bài viết của ông ấy.
© 2009 Dương Danh Huy
© 2009 talawas blog
________________________________
[7] Clive R. Symmons, “Ireland and the Rockall Dispute: An Analysis of Recent Developments”, IBRU Boundary and Security Bulletin Spring, 1998,http://www.dur.ac.uk/resources/ibru/publications/full/bsb6-1_symmons.pdf