Phát hiện sách chữ Hán dạy trẻ em về Hoàng Sa
(GDVN) - Trong quyển Khải đồng thuyết ước (sách giáo khoa dưới triều Nguyễn) có miêu tả chi tiết về quần đảo Hoàng Sa.
Theo báo Pháp luật TPHCM, quyển sách này vừa được ông Trần Văn Quyến (giảng viên khoa Xã hội và Nhân văn ĐH Phú Xuân Huế, người chuyên nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa) công bố như một minh chứng cho chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Quyển sách bằng chữ Hán có vẽ bản đồ về quần đảo Hoàng Sa (vùng được khoanh đỏ). (Ảnh do ông Trần Văn Quyến cung cấp) |
Theo ông Quyến, sách được in từ thời Tự Đức (1853) dạy nhiều môn, từ thiên văn, địa lý, rồi đến nhân sự cho trẻ em học vỡ lòng. Sách được in trên ván gỗ, gồm 44 tờ, mỗi tờ hai trang, mỗi trang có sáu dòng, mỗi dòng có 16 chữ. Đặc biệt, trang 15-16 có vẽ bản đồ Việt Nam với tên gọi là “Bản quốc địa đồ”, trong đó miêu tả chi tiết về quần đảo Hoàng Sa. Phần Hoàng Sa Chữ (có nghĩa là bãi, quần đảo Hoàng Sa) nằm ngoài phần đất liền, đối diện với Thừa Thiên và Quảng Nam.
Trong một diễn biến khác, báo Tuổi trẻ đưa tin, Tạp chí khoa học quốc tế sẽ đính chính về “đường lưỡi bò ngụy tạo”. Tiến sỹ Lê Văn Út, hiện đang làm việc tại Khoa Toán, ĐH Oulu, Phần Lan, cho biết, Tổng biên tập Tạp chí khoa học quốc tế Quản lý chất thải (Journal of Waste Management) đã thông báo, tạp chí này sẽ đính chính trong số ra tới liên quan đến bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông mà tạp chí này vừa xuất bản.
Qua email trao đổi, TS Út cho biết: “Việc đính chính thông tin là chuyện chắc chắn 100%”, và khẳng định ông đã nhận được thư hồi đáp của GS. TS Raffaello Cossu, Khoa công nghệ môi trường, Đại học Padova (Ý) và đồng thời là Tổng biên tập của tạp chí nói trên, sau khi TS. Út cùng các nhà khoa học của Việt Nam lên tiếng phản đối tấm bản đồ có đường lưỡi bò minh họa cho bài viết “Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn: Một phân tích so sánh” của các tác giả Trung Quốc trong số ra ngày 19/4/2011.
Theo thông tin trên trang của tạp chí này, Waste Management là tạp chí quốc tế chuyên về chất thải rắn trong công nghiệp ở các nước đang phát triển, với đối tượng là các nhà khoa học, kỹ sư, nhà quản lý trên thế giới.
PV (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét