Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Lê Phi - Người hùng trên sóng Hoàng Sa



Người hùng trên sóng Hoàng Sa

Nếu Lý Sơn có “sói biển” Mai Phụng Lưu thì ở Đà Nẵng có thuyền trưởng Lê Văn Chiến, người được ví là cột mốc quốc giới trên vùng biển chủ quyền Tổ quốc.

Nhà thuyền trưởng Lê Văn Chiến (46 tuổi, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) nằm bên bờ biển Đà Nẵng. Ngôi nhà nhỏ hướng ra biển dõi nhìn Hoàng Sa. Để gặp vị thuyền trưởng can trường chẳng dễ chút nào. Quanh năm anh toàn cưỡi sóng ra khơi, thỉnh thoảng mới về nhà.
Chuyên trị ngư trường Hoàng Sa
Thất hẹn nhiều, cuối cùng tôi cũng gặp được anh ở góc quán nhỏ quen thuộc đối với hàng trăm thuyền trưởng đất Đà Nẵng. Đó là quán của lão ngư dân Lê Nam, nằm nép phía sau miếu thờ thần Nam Hải của những người cưỡi sóng biển Đông.
Thuyền trưởng Chiến có khuôn mặt cương nghị, da sạm mùi biển mặn, đôi tay to kềnh, thân hình vạm vỡ, giọng nói ồm oàm đúng điệu “ăn sóng nói gió”. Học hết lớp 3, cậu bé Chiến bỏ học vì nhà quá nghèo. “Cái khó, cái khổ của ngư dân vùng biển là vô cùng tận. Đã nghèo thì chỉ có biển mới đem lại kế sinh nhai. Bỏ lớp, tôi theo ba lên tàu ra khơi vùng vẫy” - anh Chiến mở lời.
14 tuổi, chàng thanh niên nghèo tên Chiến làm thuê cho khắp chủ thuyền Đà Nẵng. Hồi đó gia đình anh chẳng thể mua nổi một con thuyền. “Làm chủ một con thuyền là mơ ước của bao đời ngư dân. Muốn có thuyền, có bạn, các ngư dân phải quẳng mình vào biển cả. Nhưng cũng có mấy ai sớm sở hữu một con thuyền cho riêng mình” - anh nói.
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến tất bật chuẩn bị ra khơi. Ảnh: CƯỜNG PHONG
Hồi đầu ra khơi, công việc của Chiến là nấu ăn, làm việc vặt trên thuyền. Dạn dần với phong ba bão táp, Chiến mới bắt đầu tham gia các công đoạn khai thác cá. Kinh nghiệm cứ tích lũy dần qua tháng năm học hỏi từ cha, từ những thuyền trưởng lão nghề.
Sau bảy năm vật lộn với sóng dữ, 21 tuổi cái tên thuyền trưởng Chiến được đánh dấu trên vùng biển Hoàng Sa khi anh chuyên đánh bắt ở vùng biển thiêng liêng này của Tổ quốc. Ngư dân Lê Nam nói: “Chiến như sinh ra để làm thuyền trưởng. Chiến hiểu tường tận từng con sóng, từng luồng cá và thuộc làu tên các hòn đảo. Bão tố trên biển và Chiến chẳng lạ gì nhau”.
Thuyền trưởng Chiến nhớ lại: Ngày đó tôi chỉ lái con thuyền gỗ nhỏ, dài 18 m, rộng chừng 4,5 m. Để lèo lái con thuyền nhỏ ấy trên biển Đông không hề dễ dàng bởi không chỉ tính mạng của mình mà còn tính mạng của 7-10 thuyền viên trên con thuyền bé tẹo ấy. Mỗi lần ra khơi là như mỗi lần xung trận “đánh nhau” với bão biển. Số phận người đi biển nhỏ bé lắm, bỏ xác trên biển là chuyện có thể xảy đến đối với bất cứ ngư dân nào.
Đang trò chuyện, một thuyền trưởng khác ngồi cùng quán ghé giọng nói sang: “Nó với bão biển như kẻ thù. Bão biển thì muốn nuốt thuyền, còn nó thì đi cứu”.
Giờ thì thuyền của Chiến “khủng” hơn, công suất lên tới 500 CV (số hiệu ĐNa-90351TS). Ngư trường Hoàng Sa luôn là điểm đến trong mỗi lần anh dong thuyền ra khơi. “Hải sản ở Hoàng Sa nhiều lắm. Cứ đánh bắt rồi khi gặp phong ba lại vào các đảo trú ẩn. Phong ba đi qua, thuyền ta lại nhổ neo đánh bắt tiếp”. Chiến bộc bạch: “Đánh bắt ở Hoàng Sa phải biết cách. Nếu gặp tàu nước khác, không đương đầu nhưng phải kiên trì. Cứ thế chúng tôi mới bám được ngư trường truyền thống của cha ông mình” .
Hiện Chiến là tổ trưởng Tổ Khai thác hải sản xa bờ số 9 của phường Xuân Hà và là dân quân tự vệ biển, tai mắt của các lực lượng bảo vệ bờ biển bộ đội biên phòng và hải quân.
Thuyền trưởng Chiến và bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng về thành tích “tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới” trên biển. Ảnh: LÊ PHI
“Sau mỗi chuyến ra khơi, anh em trong tổ khai thác lại gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm đánh bắt, ngư trường khai thác, đồng thời thường xuyên liên lạc với bộ đội biên phòng, Hải quân Vùng 3 để trao đổi thông tin, tình hình an ninh trên biển” - Chiến tự hào kể.
Tình người giữa sóng dữ
Trong ký ức đi biển của thuyền trưởng Chiến, bão Chanchu năm 2006 vẫn còn in hằn nỗi đau mất mát của những người bạn thuyền cùng dìu nhau trên biển. Bão Chanchu quét qua biển Đông, nhiều ngôi làng của ngư dân tan tác. Chỉ riêng ở quận Thanh Khê cũng đã có hàng chục ngư dân cùng tàu thuyền bỏ mình trên biển, ở lại với đội hùng binh Hoàng Sa. “Đó là năm kinh hoàng đối với bất cứ một ngư dân và thuyền trưởng nào. Các bạn thuyền chỉ trong một đêm đã mãi mãi nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo” - anh Chiến buồn nói.
Khi bão Chanchu đổ vào, thuyền trưởng Chiến vẫn đang mải mê ngoài khơi đánh bắt. “Lúc đó sóng xô cao hàng chục mét, thuyền chao đảo như muốn chìm. Gió bẻ gãy cột giằng trên thuyền, mưa và sóng chồm như muốn nuốt chửng tất cả. Nhiều thuyền bạn hoảng loạn vô cùng. Tôi dẫn đầu các thuyền lách từng ngọn sóng xuôi theo hướng gió. Dầu, cá trên thuyền đổ hết xuống biển để giảm ma sát, các thuyền viên khác liên tục tát nước ra ngoài. Vật lộn với bão trong đêm với những kinh nghiệm của cha ông truyền lại và sự đoàn kết của các thuyền viên nên chúng tôi thoát khỏi bão biển một cách thần kỳ. Nhưng một số thuyền bạn thì đã không còn cơ hội trở về” - thuyền trưởng Chiến nghẹn giọng.
Từ sau cơn bão kinh hoàng ấy, thuyền trưởng Chiến và tàu của mình đã cứu được hàng chục tàu bạn gặp nạn. Chiến nhớ lại thuyền mình đã cứu 17 thuyền viên tàu ĐNa-1731TS của ông Phạm My Em (quận Liên Chiểu) đang câu mực ngoài khơi bị nổ bình gas. “Con tàu cháy rụi trên biển như ngọn đuốc trong đêm. Khi đó, có hai thuyền viên bị bỏng nặng và một thuyền viên đã chết. Sau hàng giờ quần đảo trên mặt biển cứu hộ, tôi cùng các thuyền viên của mình đã cứu vớt được 17 thuyền viên”.
Chiến nói bất cứ giá nào, hễ thấy thuyền bạn gặp nạn là phải cứu ngay, dù có hủy cả chuyến đi biển được đầu tư cả mấy trăm triệu đồng cũng vậy. Bởi đơn giản một điều, “cứu thuyền bạn thì sẽ có ngày thuyền bạn cứu mình. Phải đoàn kết và giúp đỡ nhau trên biển thì mới có thể mưu sinh lâu dài trên biển”.
Lần khác, trong đêm tối mịt mù, Chiến đã cho tàu mình vật lộn với sóng dữ để cứu tàu TTH-9559 của ông Nguyễn Trường Yên (Thừa Thiên-Huế) cùng sáu thuyền viên vào bờ an toàn. Hôm vào bờ, những người vợ, người thân của tàu TTH-9559 đã khóc òa trong hạnh phúc.
Thuyền trưởng tàu TTH-9559 Nguyễn Trường Yên nhớ lại: “Khi tàu gặp nạn, bọn tui gần như tuyệt vọng, chỉ biết lấy áo ra vẫy cầu cứu. May sao tàu anh Chiến lao nhanh tới cứu. Mưa, gió biển lúc ban đêm mạnh kinh khủng, thuyền liên tục chao đảo. Nếu không có sự kịp thời và kinh nghiệm cứu hộ của anh Chiến thì bọn tui đã nằm lại với biển cả rồi”.
Với thành tích nhiều lần cứu thuyền bạn cũng như làm tròn nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, Chiến được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng và các cơ quan chức năng tặng nhiều bằng khen cùng lời động viên sâu sắc. Trên tấm bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ghi: Ông Lê Văn Chiến đã có nhiều thành tích thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới. Chiến nói những lời vinh danh ấy như nhắc nhở, động viên anh ngoài việc mưu sinh còn phải biết tham gia bảo vệ ngư trường một cách khôn khéo và mưu trí. “Mỗi ngư dân là một cột mốc trên biển để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bà con ngư dân chúng tôi cùng nhau quyết tâm bảo vệ ngư trường truyền thống do tổ tiên, cha ông để lại” - Chiến quả quyết nói.
LÊ PHI

Không có nhận xét nào: