Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Nhóm Phóng viên Biển Đông - "Đường lưỡi bò" phi lý


"Đường lưỡi bò" phi lý
Báo ĐĐK số 28/12/2011

Lập luận mâu thuẫn về lịch sử “đường lưỡi bò” (28/12/2011)
Đối với các quốc gia ven Biển Đông, yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc tương tự như việc một trong những người hàng xóm của bạn đột nhiên tuyên bố rằng toàn bộ con đường ở trước nhà bạn là tài sản riêng của anh ta. Hơn nữa, anh ta cũng tuyên bố rằng, vỉa hè, đường lái xe vào nhà bạn và cả sân trước nhà bạn cũng thuộc về anh ta... Nếu bạn hay các hàng xóm khác phản đối, anh ta chối bỏ hiệu lực danh nghĩa mà bạn có và từ chối việc ra tòa giải quyết bằng luật pháp.
Vào đầu những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu tuyên bố rằng toàn bộ Biển Đông là vùng lãnh thổ của họ. Yêu sách của Trung Quốc đã đi ngược lại hoàn toàn với luật pháp quốc tế cũng như tự mâu thuẫn với chính sử, với các tuyên bố chính thức trước đó của quốc gia này. Trung Quốc sử dụng tập hợp các yêu sách lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả các thành tố kinh tế, chính trị và quân sự; một lập trường ngoại giao không thoả hiệp đi kèm với các hành vi đơn phương và áp đặt; và một yêu sách lịch sử dựa trên ý tưởng rằng Biển Đông và các đảo nằm trong đó đã thuộc về Trung Quốc trong hàng thế kỷ tính từ đời nhà Hán vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Trung Quốc lập luận rằng quyền chủ quyền của họ đối với Biển Đông đã có từ hàng ngàn năm trước. Trung Quốc còn biện minh cho yêu sách của mình bằng cách tạo nên một bảng niên giám lịch sử trích dẫn hành trình của các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc đi vào và qua Biển Đông. Và trên cơ sở niên giám này, Trung Quốc lập luận rằng yêu sách rộng lớn của họ đối với hầu hết Biển Đông dựa trên các dữ kiện lịch sử có từ lâu đời.
Theo TS Nguyễn Hồng Thao - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm chứng minh sự quản lý của họ trên các đảo tranh chấp này từ hàng nghìn năm, Trung Quốc đã dẫn chứng một số sự kiện. Đó là sự kiện từ thời nhà Tống (960 - 1127) Hải quân Trung Quốc đã đi tuần tra đến vùng biển quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Sự khẳng định này dựa trên cơ sở đoạn văn trích từ Vũ Kinh tổng yếu có lời tựa của Vua Nhân Tông đời Bắc Tống. Đoạn trích trong văn kiện chính thức của Trung Quốc như sau: "Triều đình Bắc Tống lệnh cho Vương Sư đi phòng giữ đặt dinh lũy thủy quân tuần biển ở Quảng Nam (tức Quảng Đông ngày nay) và "đóng tàu chiến đao ngư”. Tác phẩm trên còn khẳng định: "Từ Đồn Môn Sơn, dùng gió Đông hướng Tây Nam 7 ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu. Cửu Nhũ Loa Châu là quần đảo Tây Sa ngày nay. Điều đó chứng tỏ quần đảo Tây Sa đã thuộc phạm vi cai quản của đời Bắc Tống”. Theo Sách trắng 1981 của Việt Nam thì đoạn trích từ Vũ Kinh tổng yếu này là sự kết hợp ba đoạn riêng rẽ khác nhau trong một đoạn sau lời tựa: "Lệnh cho quân nhà vua đi trấn giữ đặt dinh lũy thủy quân tuần biển ở hai cửa biển phía Đông và phía Tây rộng 280 trượng đến Đồn Môn Sơn 200 lý đóng tàu chiến đao ngư. Từ Đồn Môn Sơn dùng gió Đông đi về hướng Tây Nam bảy ngày thì đến Cửu Nhũ Loa Châu, đi ba ngày nữa đến Bất Lao Sơn (thuộc địa giới Hoàn Châu), đi 300 hải lý nữa về phía Nam đến lăng Sơn Đông. Phía Tây Nam nơi đó là các nước Đại Thực Phật, Sư Tử, Thiên Trúc không thể tính được hành trình”. Rõ ràng trong đoạn trích kể trên của Vũ Kinh tổng yếu, có đoạn văn Bắc Tống "lệnh cho quân nhà vua đi trấn giữ đặt dinh lũy thủy quân tuần biển ở Quảng Nam (Quảng Đông ngày nay)”, "đóng tàu chiến đao ngư”, có đoạn mô tả vị trí địa lý của đồn binh nhắc trên, đoạn khác tả lộ trình đi từ cảng Quảng Nam tới tận Ấn Độ Dương. Đó là hành trình khảo sát địa lý, không phải là tuần tra lãnh thổ Trung Quốc. Không có gì trong đoạn trích trên cho phép khẳng định rằng Cửu Nhũ Loa Châu chính là quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa). Điều đó không thể là bằng chứng đầy đủ chứng minh rằng ngay từ thời nhà Tống, quần đảo Hoàng Sa đã thuộc quyền quản lý của Trung Quốc và "Hải quân Trung Quốc đã đi tuần tới các đảo Tây Sa”.
Một sự kiện khác, Trung Quốc cho rằng việc đo thiên văn trong biển Nam Hải vào đầu đời Nguyên đã khẳng định rằng các đảo là một bộ phận của lãnh thổ nước này. Sách trắng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc 1980 viết: "Năm thứ nhất đời Nguyên tiến hành đo đạc thiên văn 27 nơi trong nước, nhà Nguyên năm thứ 16 (Công nguyên năm 1279) Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đích thân sai Đồng Trí Thái, Sử viện sử, Quách Thụ Kinh, nhà thiên văn nổi tiếng đến biển Nam tiến hành đo đạc. Theo Nguyên Sử, điểm thiên văn Nam Hải nằm ở phía Nam Châu Nhai (thuộc đảo Hải Nam) và kết quả đo đạc cho thấy Nam Hải ở vĩ tuyến Bắc 15 độ. Điểm thiên văn Nam Hải chính là ở quần đảo Tây Sa ngày nay. Điều đó nói rõ quần đảo Tây Sa thời Nguyên đã là nằm trong biên thùy Trung Quốc”. Thực ra, theo Nguyên Sử, bộ sử chính thức của nhà Nguyên, việc đo đạc thiên văn được ghi chép như sau: "Việc đo bóng mặt trời bốn biển ở hai mươi bảy nơi. Phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam qua Chu Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc”. Khái niệm "bốn biển”, theo ngôn từ Trung Quốc, chỉ rằng các lãnh thổ này nằm ngoài lãnh thổ quốc gia. Trên thực tế, dưới đầu đề "đo đạc bốn biển”, Nguyên Sử chép rõ tên 27 nơi đo đạc thiên văn trong đó có những địa danh hoàn toàn không thuộc cương vực Trung Quốc như Cao Ly (Triều Tiên), Thiết Lặc (Siberia). Chính Nguyên Sử cũng nói rõ "lãnh thổ Trung Quốc” dưới thời Nguyên phía Nam chỉ tới đảo Hải Nam, phía Bắc không quá sa mạc Gobi. Các quan trắc thiên văn trên có phần tiến hành trên lãnh thổ Trung Quốc, có phần nằm ngoài cương vực Trung Quốc. Do đó, nó không thể tạo ra bằng chứng xác đáng cho chủ quyền của họ. Ngay cả khi điểm quan sát thiên văn "Nam Hải” nằm trên các đảo Tây Sa, thì việc quan sát thiên văn đó... cũng không đủ để thể hiện ý chí của "Chính phủ đó thực hiện chủ quyền trên các đảo đá nhỏ này”. Hơn nữa một hành động nghiên cứu khoa học không thể tạo nên một danh nghĩa chủ quyền.
Yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc
 trong tương quan với tuyên bố chủ quyền
 của các quốc gia ven Biển Đông
Bài viết gần đây "Sự hình thành chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông, nguồn gốc của các vấn đề Biển Đông”, trên mạng Quishi cung cấp sự biện minh đối với yêu sách lịch sử của Trung Quốc nhưng cũng đầy mâu thuẫn. Bài báo do Li Guoqiang viết trích dẫn hai bản ghi chép lịch sử của Trung Quốc kể về các hải trình của các nhà hàng hải triều Hán và Minh ở Biển Đông. Dựa trên hai bản ghi chép lịch sử này, Li lập luận rằng người Trung Quốc đã khám phá ra và phát triển các đảo này trước tiên. Và kết quả là, chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông dần dần được hình thành dựa trên cơ sở pháp lý liên tục của các Chính phủ Trung Quốc trong các triều đại nối tiếp nhau bất chấp việc các đảo này là đảo nhỏ, cằn cỗi và không thích hợp cho con người sinh sống. Sau đó ông cho rằng bởi vì người dân của các quốc gia khác có yêu sách không thể đưa ra bất kỳ ghi chép nào liên quan đến việc tổ tiên của họ tìm thấy và đặt tên cho các đảo đó, từ đó vội vã cho rằng Trung Quốc có "chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa. Bài viết thể hiện chính sách của Trung Quốc trong việc gây áp lực lên các quốc gia khác có yêu sách rằng Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc trên cơ sở ghi chép lịch sử mà Trung Quốc có được và từ chối thương lượng với các quốc gia đó trừ phi họ chấp nhận "chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc. Gần đây, một nhà bình luận Trung Quốc đã cố tình làm giảm vai trò pháp lý của UNCLOS bằng cách lập luận rằng đây "chỉ là một luật biển quốc tế, không phải là luật biển duy nhất, và do đó (các quốc gia khác có yêu sách) nên ngừng thắc mắc về tính pháp lý của "đường lưỡi bò” của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, bằng chứng lịch sử của Trung Quốc không đủ cơ sở để loại bỏ yêu sách của các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Có thể cho rằng các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc đã đi qua Biển Đông trong hai nghìn năm qua. Tuy nhiên, cũng có nhiều bằng chứng cho thấy, tổ tiên của các quốc gia Đông Nam Á ngày nay cũng đã đi qua và đánh cá ở các hòn đảo đó rất lâu trước bất kỳ ghi chép nào của người Trung Quốc. Do quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cằn cỗi và không thích hợp cho con người sinh sống nên dân cư thời tiền sử của các quốc gia Đông Nam Á đã đánh cá và khai thác kinh tế các nguồn tài nguyên ở Biển Đông thậm chí trước cả triều Hán và triều Minh. Các quốc gia ven Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia...) được định hình một phần từ những dân cư đi biển, những người đã đến những vùng đất này qua một số làn sóng nhập cư từ rất xưa khoảng hàng vạn năm trước. Không có gì nghi ngờ rằng những người đi biển này đã đi qua và đánh cá ở Biển Đông, giống như những gì mà con cháu họ đang làm hiện nay. Do đó, bình luận về bằng chứng lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền đối với Biển Đông, nhiều chuyên gia quốc tế về hàng hải đương đại lưu ý rằng: "Không có bằng chứng nào chỉ ra lợi ích kinh tế độc nhất của Trung Quốc đối với các đảo hay khu vực xung quanh các đảo ở Biển Đông. Thay vào đó, bằng chứng chỉ thấy điều ngược lại – rằng các vùng biển ở Biển Đông và các đảo nằm rải rác ở đó... từ bao thế kỷ nay đã trở thành khu vực đánh cá và các tuyến đường thương mại chung của các cư dân trong khu vực. Thực sự, việc sử dụng chung lâu đời này cho thấy Biển Đông đã phát triển như một khu vực chung, ở đó các bên theo đuổi các lợi ích của mình mà không phải lo sợ bị chính quyền của các quốc gia khác làm phiền”.
Bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
do người Hà Lan vẽ năm 1754
Cần thấy rằng các tác giả Trung Quốc đã quá vội vàng khi khẳng định rằng "đường lưỡi bò” đã được cộng đồng quốc tế công nhận và các quốc gia liên quan không có sự phản đối. Trước hết, thời điểm xuất hiện của "đường lưỡi bò” còn chưa được chính các tác giả Trung Quốc thống nhất. Thứ hai, nguồn gốc đường này ban đầu chỉ là một dạng xuất bản tư nhân. Thứ ba, một đường lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, vẽ tùy tiện, không tọa độ, không rõ ràng làm sao có khả năng thể hiện một đường yêu sách biên giới rõ ràng theo đúng các quy định của luật quốc tế để các quốc gia khác phải bận tâm. Thứ tư, vào thời điểm đường lưỡi bò đang được Bộ Nội vụ CHTH in trên bản đồ, Pháp đã đưa tàu và quân ra đóng giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tiếp tục duy trì danh nghĩa chủ quyền kế thừa từ các Nhà nước phong kiến Việt Nam và thực hiện hoạt động chiếm hữu theo luật quốc tế của Pháp năm 1933. Hoạt động thực tiễn này chính là sự phản đối hùng hồn yêu sách "đường lưỡi bò” từ phía nước láng giềng phương Bắc. Thứ năm, Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 không hề đả động tới "đường lưỡi bò”. Ngay cả tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1951 về dự thảo Hiệp ước San Francisco cũng không nói gì đến "đường lưỡi bò”. Thứ sáu, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đòi hỏi của Philippines, Malaysia đối với hầu như toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy không thể nói "đường lưỡi bò” trên Biển Đông mà Trung Quốc vạch ra đã được các nước khác công nhận. Thứ bảy, ngay cả những nước không liên quan gì đến tranh chấp cũng thể hiện quan điểm không đồng tình. Mỹ không công nhận bất kỳ vùng biển nào không gắn với đất liền và đảo. Indonesia ngày 8-7-2010 đã nộp lên Liên Hợp Quốc Công hàm phản đối "đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Vì vậy không thể nói đã có sự công nhận quốc tế về "đường lưỡi bò”.
Lập luận "đường lưỡi bò” là đường "vùng nước lịch sử” của Trung Quốc đã không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế vì ngay cả trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1958 trong danh sách các vùng nước lịch sử của thế giới không có tên một vùng nước nào trong Biển Đông. Việc duy trì một yêu sách không khoa học, không khách quan, không phù hợp luật pháp quốc tế đã làm xấu đi hình ảnh của một đất nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, đồng tác giả của năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và là trở ngại chính cho mọi giải pháp giải quyết tranh chấp trong Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Nhóm PV Biển Đông

Không có nhận xét nào: