Ngày 27.10, nhà sưu tập Trần Thanh Phương và vợ là bà Phan Thu Hương giới thiệu bộ sưu tập công phu tại tư gia ở Q.3, TP.HCM gồm 1.200 bài báo viết về Hoàng Sa và Trường Sa.
Các bài báo được cắt dán và tạo hình, đóng thành cuốn sách dày 1.000 trang, với kích thước lớn 60 cm x 40 cm, nặng 18 kg. Sách đóng trang trọng bằng bìa cứng simili, mạ chữ vàng, do hiệu sách Văn Thơ thực hiện với kỹ thuật đóng bằng chỉ. Thao tác kỹ thuật trên phải chêm gáy cao lên, để sau khi dán các bài báo vào, sách không bị “hả miệng”, khâu này cần công sức nhiều nhất vì phải chêm từng tờ mới đóng được. Các bài báo nói trên được sưu tầm và cắt dán từ đầu năm 1979 đến cuối tháng 10.2011, tính ra đã hơn 32 năm, mỗi bài đều có ghi ngày tháng năm và xuất xứ.
Ông bà Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương với bộ sưu tập Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam - Ảnh: Giao Hưởng |
Bộ sưu tập lưu giữ các bài đăng trên báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Văn nghệ quân đội, Sài Gòn giải phóng, Văn nghệ TP.HCM, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… của hơn 500 tác giả, có bài đăng trên giấy vàng và mỏng thời ấy, song nét chữ in bằng chì vẫn còn rất rõ. Qua đó, công chúng có thể thấy rõ sự thật lịch sử và vấn đề pháp lý liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa, đặc biệt từ trước đến sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chẳng hạn văn bản liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo trên trong thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp năm 1933, Nghị định số 4702/CCP của Thống đốc Nam kỳ, Nghị định số 3282 của Toàn quyền Đông Dương năm 1939, Sắc lệnh số 143-NV của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam năm 1956, Nghị định số 709-BNV/HĐP của Việt Nam cộng hòa (Sài Gòn) năm 1969 và 1970… Bộ sưu tập cũng cho thấy các sự kiện ngoại giao liên quan đến chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Trong đó, mốc quan trọng là vào tháng 12.1981, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam công bố sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam”. Tiếp đó vào năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng nước ta ra Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa và Quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa. Tất cả các sự kiện và văn bản liên quan đều được phản ánh qua cả nghìn trang báo của bộ sưu tập và đã được gửi đến Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings để thẩm định. Tổng giám đốc trung tâm là ông Lê Trần Trường An cùng hội đồng tư vấn, đã tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu chuyên ngành như tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, nhà biên khảo văn học Phạm Đan Quế, qua công trình sưu tập trên kết hợp với thông tin dữ liệu quốc gia, rút ra hai kỷ lục về Trường Sa và Hoàng Sa như sau:
Một trang báo của bộ sưu tập |
1. Trường Sa là quần đảo xa bờ có nhiều tiểu đảo nhất và là quần đảo đang làm "rung động trái tim Việt Nam” mạnh nhất: nằm về phía cực nam của quần đảo Hoàng Sa, trên đường hàng hải Sài Gòn - Hồng Kông - Trung Hoa - Nhật Bản, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 250 hải lý, cách bờ biển thành phố Vũng Tàu 340 hải lý, với khoảng trên 100 đảo đá, bãi cạn, nằm rải rác trong một khu vực khoảng từ 6,50o đến 12o Bắc vĩ tuyến và từ 111,30o đến 117,20o kinh Đông. Đây là một quần đảo bao đời nay luôn có những người lính Việt Nam hiên ngang cầm gươm, súng trấn giữ, bảo vệ lãnh thổ biển đảo nước nhà. Đến nay, mọi người dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, ai ai cũng luôn hướng về đó với tất cả tình cảm yêu thương và trân trọng.
2. Hoàng Sa là quần đảo duy nhất mang tên một lễ hội dân gian tôn vinh những người lính bảo vệ biển đảo Tổ quốc: Cho đến nay người dân Quảng Ngãi vẫn còn lưu truyền câu ca dao: Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai khao lề tế lính Hoàng Sa.
Cần nói thêm, trước đây ông bà Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương đã ra mắt cuốn sách dày nhất mang chủ đề Đất nước tôi với 1.000 trang khổ 80 cm x 120 cm và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Cuốn sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” vào năm 2006. Còn bộ sưu tập Hoàng Sa - Trường Sa này sẽ chính thức được trưng bày tại Trung tâm tổ chức sự kiện và hội nghị White Palace (TP.HCM) trong dịp Hội ngộ kỷ lục gia toàn quốc năm 2011 vào chủ nhật 30.10 tới.
Giao Hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét