Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012


Học giả Việt Nam chống lại sự áp đặt “đường lưỡi bò” (06/02/2012)
Những năm gần đây hiện tượng học giả Trung Quốc chèn bản đồ "đường lưỡi bò” phi pháp và phi khoa học vào các bài viết trên các ấn phẩm khoa học quốc tế ngày càng trở nên phổ biến. Âm mưu này của họ đã bị cộng đồng người Việt Nam khắp nơi trên thế giới, mà đặc biệt là các nhà khoa học người Việt Nam, vạch trần và phản đối quyết liệt, mang lại những thắng lợi đầy ấn tượng trong giới khoa học quốc tế.
Bản đồ có "đường lưỡi bò” trên tạp chí EESJ 
chèn theo bài báo không có nội dung liên quan của học giả Trung Quốc
Ảnh: T.L

TS Trần Ngọc Dũng (Canada) cho biết, vào ngày 29-10-2011, ông và một số học giả Việt Nam tại Canada đã gửi thư đến Ban biên tập Tạp chí Environmental Earth Sciences Journal (EESJ) để phản đối việc "đường lưỡi bò” xuất hiện dày đặc trên tạp chí này. Sau khi nhận được thư của nhóm học giả Việt Nam tại Canada, Tổng biên tập EESJ là GS James W. La Moreaux đã hứa sẽ xem xét kỹ vấn đề này. Tiếp đó, TS Trần Ngọc Dũng bình luận: "EESJ là tạp chí được nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn để công bố những công trình cho một khu vực địa lý nhất định với nội dung bao trùm mọi lĩnh vực về tương tác lẫn nhau giữa con người và môi trường địa lý. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn đang đối mặt nhiều vấn đề môi trường phát sinh từ tăng trưởng kinh tế nóng. Thực trạng này là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học nên các bài viết về nước này xuất hiện khá nhiều trên EESJ và "đường lưỡi bò” có cơ hội "ăn theo”. Tuy nhiên, trong tháng 11-2011 không thấy xuất hiện "đường lưỡi bò” trong Tạp chí này nữa. Có thể vì ban biên tập đã kiểm soát chặt hơn sau khi nhận được bài bác bỏ của chúng tôi”.

Trong năm 2011, trước việc phiên bản tiếng Hoa bản đồ thể hiện yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông đăng trên Google, nhóm các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đã gửi thư phản đối tới Ban lãnh đạo Google. Nội dung bức thư nêu rõ: "Đường lưỡi bò” đang bị không chỉ các nước trong vùng Đông Nam Á mà còn bị hầu hết các nước trên thế giới phản đối liên tục. Các nhà khoa học cảnh báo tấm bản đồ có chèn thêm "đường lưỡi bò” vào những bài viết của tác giả người Trung Quốc là việc làm phi khoa học. Các nhà khoa học phản đối việc này và đề nghị Google xóa bỏ bản đồ "đường lưỡi bò” phi lý và phi pháp này trên trang bản đồ của mình.

"Đường lưỡi bò” nếu tiếp tục tồn tại trên Google Maps càng lâu, càng làm tổn hại thêm nữa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Phillipines và các nước khác trong vùng Đông Nam Á” - bức thư nhấn mạnh. Đây không phải là lần đầu tiên Google có những sai sót liên quan tới đường biên giới lãnh thổ của Việt Nam. Vào tháng 3-2010, bản đồ trực tuyến Google Maps vẽ sai lệch đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 19-4-2011, Tạp chí khoa học quốc tế Quản lý chất thải (Journal of Waste Management- Italy) đã đăng tải một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc (Jun Tai, Weiqian Zhang, Yue Che và Di Feng – công tác tại Phòng Nghiên cứu trọng điểm Thượng Hải về đô thị hóa và khôi phục sinh thái, Đại học East China Normal và Viện Nghiên cứu thiết kế kỹ thuật môi trường Thượng Hải, Trung Quốc) với tiêu đề: "Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn ở Trung Quốc: Một phân tích so sánh” (Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis). Trong bài báo này các tác giả Trung Quốc đã chú thích sai sự thật về bản đồ Trung Quốc có liên quan đến chủ quyền Việt Nam. Theo đó, các tác giả Trung Quốc đã sử dụng một ảnh minh họa thể hiện rõ "đường lưỡi bò” vẫn được Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Bài báo thực chất chỉ để một số thành phố trong khu vực nghiên cứu thử nghiệm của Trung Quốc nhưng lại chèn bản đồ "đường lưỡi bò” chẳng liên quan gì tới nội dung.

Động thái này của các học giả Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm và phản ứng mạnh mẽ của các học giả Việt Nam. TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: "Theo các đồng nghiệp ở nước ngoài thì từ trước đến nay, Tạp chí này cũng đã đăng nhiều bài báo của các tác giả người Trung Quốc có bản đồ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ có "đường lưỡi bò” như lần này”. Ông nói: "Rõ ràng đây là bước đi có chủ ý của Trung Quốc lấn dần từng bước với mục đích tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế”. TS. Trường đề nghị: "Đây là tạp chí quốc tế về chất thải rắn có tiếng trên thế giới có tác động rất lớn đến cộng đồng khoa học, cho nên phía Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc. Không chỉ có các nhà khoa học Việt Nam mà các hiệp hội khoa học, các tổ chức xã hội kể cả các tạp chí khoa học chuyên ngành của nước ta cần phải lên tiếng về "sự cố” do Trung Quốc gây ra. Đây rõ ràng là một kênh thông tin rất cần các chuyên gia Việt Nam phản ứng nhanh và có hiệu quả”.

Sau khi phát hiện bài báo "China’s Demographic History and Future Challenges”, do tác giả người Trung Quốc Xizhe Peng đăng trên Tạp chí Science, số 29-7-2011, trong đó tác giả đã công bố bản đồ "đường lưỡi bò” thì nhiều học giả gốc Việt trên thế giới đã rất bất bình, nhất là trên tờ Science - một tạp chí khoa học rất có uy tín trên giới học thuật quốc tế, có lượng độc giả rất cao. Một thư phản kháng đã được soạn thảo và trong thời gian ngắn đã có 57 chuyên gia trí thức ở trong và ngoài nước đồng ký tên (hiện nay đã lên đến hơn 180 chữ ký). Ngày 21-8-2011 đại diện nhóm các học giả gốc Việt đã gửi thư này đến TS Alan I. Leshner, nhà xuất bản và TS Bruce Alberts, Tổng Biên tập Tạp chí Science. Nhận thấy có những tạp chí khác như tờ Nature đã có đăng những bản đồ tương tự, các nhà khoa học Việt Nam đã quyết định dịch bản tiếng Anh, ra tiếng Pháp và gửi đến rất nhiều tạp chí khoa học khác trên thế giới. Cho tới nay đã có trên một trăm tờ báo, tạp chí khoa học quốc tế nhận được văn thư có 57 chữ ký ban đầu của nhóm các nhà khoa học Việt Nam nói trên. Thư có nội dung chính như sau: "Chúng tôi là một số giáo chức và chuyên viên kỹ thuật đang sống tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi xin cảnh báo với nhà xuất bản về sự thiên vị thể hiện rõ trong hình vẽ bản đồ nước Trung Quốc trong bài viết của những nhà khoa bản và chuyên viên Trung Quốc gửi đăng trên các tạp chí uy tín như Science, Nature, Climate Change, Agricultural Water Management, Waste Management, đây chỉ nêu ra một vài thí dụ. Trò ảo thuật liên quan đến việc bao gồm những vùng biển và đảo đang tranh chấp phía đông của Việt Nam song song với việc loại bỏ những quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Philippines trong bản đồ vẽ tay nước Trung Quốc xuất hiện trong những bài viết của họ. Đây là một phần của nhiều hành động đầy tính toán của Trung Quốc để hợp thức hóa những tranh giành lãnh thổ của họ. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã đơn phương giành chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông Nam Á, tự xưng là "vùng biển lịch sử” của Trung Quốc. Vùng biển này, diện tích khoảng 350,000km2, bao trùm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn còn đang trong vòng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunie, Đài Loan, và gần đây là Trung Quốc (nước đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số đảo phía Tây Trường Sa của Việt Nam sau hai trận hải chiến đẫm máu năm 1974 và năm 1988). Chèn vào một bản đồ Trung Quốc vẽ tay ngụy tạo bao gồm toàn bộ Biển Đông trong những bài nghiên cứu có xuất xứ từ Trung Quốc nhắm vào các tạp chí khoa học và các tạp chí khác có tiếng trên thế giới là một trong những âm mưu thâm độc của Nhà nước Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc hy vọng với sự thường xuyên xuất hiện bản đồ Trung Quốc gồm đường biên giới lưỡi bò sai trái này trên các tạp chí nổi tiếng và có nhiều tín nhiệm trên thế giới và không bị phê phán, phản đối từ các ban biên tập và độc giả thì họ dùng đó làm bằng chứng không chính danh cho chủ quyền trên toàn vùng Biển Đông”.

Tri thức Việt Nam đã thu được những thắng lợi quan trọng từ cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại việc lợi dụng khoa học để áp đặt "đường lưỡi bò”. Một thắng lợi làm chấn động cả cộng đồng khoa học quốc tế là Tạp chí lừng danh Nature đã lên án hành động lấp liếm và phản khoa học cuả các học giả Trung Quốc về vấn đề trên đồng thời tuyên bố "sẽ không có chỗ cho đường lưỡi bò” trên Tạp chí này. Một tạp chí lừng danh khác là Science bị phản đối và cũng đã nhận thức được tính phi pháp của "đường lưỡi bò”. Tạp chí Science cũng đã ra "tuyên bố về vấn đề này”. Mới đây, tạp chí khoa học số một thế giới Nature trong số ra ngày 20-10-2011 đã đăng hai bài viết liên quan đến Biển Đông: bài xã luận "Uncharterd Territory” (Lãnh thổ không được công nhận) và một bài khác có tựa đề "Angry words over East Asia Seas” (Những câu chữ tức giận trên Biển Đông) của phóng viên David Cyranoski phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tạp chí này. Hai bài viết thể hiện thái độ phản đối cũng như vạch trần âm mưu của Trung Quốc trong việc lợi dụng khoa học để phục vụ mục đích chính trị của mình, cụ thể trong trường hợp này là nhằm hợp lí hóa bản đồ "đường lưỡi bò” do chính quyền nước này đưa ra trước đó.



Trang web của tạp chí lừng danh Nature 
và bài báo "Những câu chữ tức giận trên Biển Đông”
 vạch trần âm mưu lợi dụng khoa học 
để áp đặt "đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Đây có thể nói là một thắng lợi cực kỳ quan trọng của tri thức Việt Nam trong quá trình đấu tranh xóa "đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là một sự phản ứng kịp thời của tri thức Việt Nam với các "học giả lưỡi bò”, tác giả của các bài báo khoa học có chèn "đường lưỡi bò” phi lý, phi pháp của Trung Quốc. Động thái này chứng tỏ rằng Science đã bị thuyết phục bởi các tri thức Việt Nam, buộc họ phải tôn trọng tính chân thật trong khoa học và phải giữ cho môi trường xuất bản các ấn phẩm khoa học không bị hoen ố bởi những mục tiêu chính trị. Việc Science cho đăng bức thư trên ngay sau bài báo của học giả Trung Quốc có chèn "đường lưỡi bò” trên Science càng làm cho các "học giả lưỡi bò” của Trung Quốc thêm mất uy tín. Họ sẽ phải tự suy nghĩ lại, tiếp tục ôm mộng "đường lưỡi bò” phi lý, phi pháp và chịu sự phê phán của cộng đồng khoa học quốc tế, hay từ bỏ hành động chèn "đường lưỡi bò” vào các ấn phẩm khoa học. Như vậy đến thời điểm này, hai tạp chí vào hàng bậc nhất thế giới trong khoa học, Nature và Science, đã tỏ rõ thái độ không chấp nhận đối với "đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các tạp chí khác có quyền tẩy chay các bài báo có "đường lưỡi bò”, bởi một tạp chí khoa học nghiêm túc không bao giờ chấp nhận bị lợi dụng bởi những mục tiêu chính trị và không bao giờ muốn những ấn phẩm của họ bị phản đối.

Theo đánh giá của một số nhà khoa học, xét trong một chừng mực nào đó, việc gửi bản đồ có yêu sách "đường lưỡi bò” đến các tạp chí khoa học không đơn giản là một chiến thuật mới mà là hệ quả tất nhiên từ chính sách có tính toán của Trung Quốc. Trước hết, những điều Trung Quốc làm là nhằm bình thường hóa "đường lưỡi bò”, vốn là một thứ bất thường và vô lý, trong nhận thức của thế giới. Trung Quốc sẽ nói rằng những ấn phẩm khoa học với "đường lưỡi bò” là những sự công nhận của thế giới, và nói rằng sự không phản đối là sự thừa nhận. Chiến lược của Trung Quốc là chiếm Biển Đông bằng sự kiểm soát trên thực tế, và quảng bá "đường lưỡi bò” sẽ góp phần tạo ấn tượng là Trung Quốc có kiểm soát trên thực tế.

TS Dương Danh Huy (Anh) khuyến nghị Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa trong việc phòng chống sự lợi dụng khoa học để áp đặt "đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Theo đó, chúng ta phải xây dựng cơ sở hạ tầng để "phòng cháy”, "phát hiện”, và "chữa cháy”. "Phát hiện” thì chúng ta có gần 100 triệu người Việt trong nước và ở nước ngoài. Sau khi "phát hiện” thì cách "chữa cháy” hiệu nghiệm nhất là một cơ quan có thẩm quyền nhà nước viết thư yêu cầu chỉnh sửa những thông tin sai trái. Song song với yêu cầu chỉnh sửa, cơ quan có thẩm quyền nhà nước đó phải "phòng cháy” bằng cách lưu ý đối tượng về rủi ro liên quan tới thông tin sai trái, và nguyên tắc để xử lý. Cơ sở hạ tầng cho những việc trên chỉ cần một website hay địa chỉ email và một vài nhân viên làm việc bán thời gian cho cơ quan có thẩm quyền nhà nước để yêu cầu chỉnh sửa những thông tin sai trái. Ngoài ra, chúng ta phải "phòng cháy” rộng rãi hơn bằng cách nâng cao ý thức và kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa, về tranh chấp Biển Đông và nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của Việt Nam trong vấn đề này. Với công luận thế giới GS Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liege, Bỉ) khẳng định: "Khi chúng ta có chính nghĩa, khi chúng ta nắm vững luật pháp quốc tế, tính khách quan vô tư của khoa học, ta sẽ đi đến chiến thắng dù đối phương có thế lực đến đâu chăng nữa”.

Nhóm PV Biển Đông

Không có nhận xét nào: