Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Tưởng nhớ những người con đã hy sinh vì biển, đảo Tổ quốc:



Biển là nơi Tổ quốc sinh ra
(Dân trí) - Người Việt Nam, thiêng liêng nhất là tình yêu Tổ quốc. Tổ quốc sinh ra cùng với tượng đài quyết tử. “Có nơi nào như Đất nước chúng ta - Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ.Khi giặc đến vạn người con quyết tử - Cho một lần Tổ quốc được sinh ra”

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Các con đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa

Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm

Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương
Họ đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương

Họ đã hóa cánh chim muôn dặm sóng
Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ
Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển
Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa !

Có nơi nào như Đất nước chúng ta
Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ
Khi giặc đến vạn người con quyết tử
Cho một lần Tổ quốc được sinh ra

Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt

Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển
Máu ngư dân trên sóng lại chan hòa
Máu của họ ngân bài ca giữ nước
Để một lần Tổ quốc được sinh ra

Việt Nam ơi! dưới bão táp mưa sa
Người thắp sáng một niềm tin bền bỉ
Những giếng dầu trụ vững giữa khơi xa
Dầu là máu thắp trên thềm lục địa

Sớm mai này nắng ấm ở Trường Sa
Tiếng gà gáy bình yên trên ngực đảo
Tiếng trẻ nhỏ đến trường nơi sóng bão
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

Viết trong ngày 21-6-2011, Nguyễn Việt Chiến

Cuộc thi Thơ – Nhạc Đây biển Việt Nam do Hội Nhà văn và Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng với báo điện tử Vietnamnet là nơi hội tụ tình yêu quê hương, đất nước của các tác phẩm ở 2 thể loại này. Bài thơ trên đây của Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã đoạt Giải nhì của cuộc thi.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012


"Đường lưỡi bò" phi lý

“Sức mạnh mềm” của Việt Nam (13/02/2012)
"Sức mạnh mềm” của Việt Nam từng được vận dụng vô cùng khéo léo trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của cha ông ta hàng ngàn năm qua. Ngày nay, khái niệm "sức mạnh mềm” của Việt Nam lại được sử dụng khéo léo trong cuộc đấu tranh chống "đường lưỡi bò" rất gần gũi với quan điểm "dĩ đức phục nhân”, lấy đức để thu phục lòng người trong tư tưởng phương Đông. Trong lịch sử giữ nước, có thể coi Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là áng văn đỉnh cao thể hiện "sức mạnh mềm” của người Việt Nam với tư tưởng "Đem đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy chí nhân thay cường bạo”.


Ngư dân Việt Nam từ bao đời qua bám biển, 
góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng
 của người Việt Nam trên Biển Đông

Trong Bình Ngô Sách dâng lên Lê Lợi trình bày sách lược đánh đuổi quân Minh, Nguyễn Trãi đã vạch ra nền tảng tư tưởng cho toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn bằng chiến lược phối hợp nhịp nhàng ba mặt trận là chính trị, binh vận và ngoại giao, nêu cao chính nghĩa dân tộc và sức mạnh quyết định của nhân dân để giành chiến thắng. Đó là kế đánh vào lòng người, không xông trận mà vẫn khuất phục được đối phương (Ngã mưu phạt nhi công tâm, bất chiến tự khuất). Chiến lược hòa bình của ông cha ta được thể hiện một cách nhuần nhuyễn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn. Khi 10 vạn quân Vương Thông bị quân ta vây hãm ở thành Đông Quan, nếu Lê Lợi và Nguyễn Trãi hạ lệnh tấn công, chắc chắn quân giặc sẽ bị tiêu diệt sạch. Nhưng tư tưởng "lấy chí nhân thay cường bạo”, bằng chiến lược hòa bình Lê Lợi và Nguyễn Trãi chủ trương "dập tắt muôn đời chiến tranh – mở nền thái bình muôn thuở” đã mở đường cho quân Minh rút về nước với Hội thề Đông Quan lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến. Đó là một cách kết thúc chiến tranh độc đáo, sáng tạo, sáng ngời nhân nghĩa gắn liền với chiến lược hòa bình của ông cha ta.

GS Joshep Nye (cha đẻ của khái niệm "sức mạnh mềm”) trả lời báo giới khi tới thăm Việt Nam năm 2007 đã từng nhận định, Việt Nam có nhiều thứ có thể thu hút, lôi kéo các quốc gia khác như sự nổi danh từ lịch sử đấu tranh giành độc lập bảo vệ chủ quyền, sự chuyển đổi thành công sang một nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng... Ông cho rằng, những điều này đã giúp gia tăng "sức mạnh mềm” của Việt Nam. Điểm hấp dẫn nhất của "sức mạnh mềm” Việt Nam hiện nay nằm ở tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc và phát triển kinh tế. Cũng theo GS Joshep Nye, văn hóa của Việt Nam luôn hấp dẫn, có sức lôi cuốn các nước phương Tây, điều này thật quan trọng vì "có 3 nguồn lực chính để tạo nên "sức mạnh mềm”: một là văn hoá quốc gia, hai là hệ giá trị quốc gia và ba là chính sách quốc gia”.

Do điều kiện địa lý, Việt Nam trở thành chướng ngại tự nhiên của Trung Quốc trên con đường chiếm lĩnh Biển Đông để vươn ra Thái Bình Dương. Lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta đã để lại nhiều bài học quý giá và phù hợp với thực tế khách quan của một đất nước khiêm nhường buộc phải tồn tại và phát triển bên cạnh một người hàng xóm khổng lồ và đầy tham vọng. Ngày nay, trước sự xuất hiện của một siêu cường Trung Quốc đang lên, tham vọng bành trướng và cách hành xử hung hăng của họ trong thời gian gần đây đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng thế giới, đặc biệt là tình hình an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế đó, theo các nhà phân tích lại tạo thêm một thời cơ thuận lợi cho Việt Nam, với truyền thống độc lập tự chủ, yêu chuộng hòa bình và khát vọng vươn lên đang được minh chứng bằng sự đổi mới mạnh mẽ hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Có thể nói, tình thế hiện nay thúc đẩy sự mong muốn của cộng đồng thế giới trước sự "trỗi dậy” đầy đe dọa của Trung Quốc là cần thiết xuất hiện một Việt Nam mạnh mẽ, trở thành một quốc gia cầu nối có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển. Đồng thời, khi trở thành đối tác đáng tin cậy của cộng đồng thế giới, Việt Nam mới có thể trở thành đối tác được tôn trọng và bình đẳng của Trung Quốc.

Tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi” bằng yêu sách "đường lưỡi bò” bao chiếm 80% Biển Đông của Trung Quốc trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng với các hành động hung hăng gần đây của nước này trên Biển Đông dù muốn hay không muốn cũng đã đặt dân tộc Việt Nam vào một tình thế buộc phải đối phó. Các chuyên gia lịch sử nhận định, kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, có lẽ đây là lần thứ tư nước ta phải đối mặt với sự thách thức lớn như vậy. Riêng trên phương diện quân sự, qua 3 cuộc chiến tranh chống xâm lược ở thế kỷ trước, Việt Nam đã trải nghiệm thực tế là vấn đề tổng số lực lượng quân sự của đối phương và vấn đề lực lượng tại chỗ của ta là hai vấn đề khác nhau, không thể đơn thuần dùng số lượng đo đếm mạnh - yếu của nhau để luận thế thắng bại. Trong thời kỳ đối đầu, sức mạnh của các quốc gia thường được cân đong đo đếm bởi sức mạnh quân sự và kinh tế, tức là "sức mạnh cứng”. Dù vậy, "sức mạnh mềm” quốc gia vẫn không thể xem nhẹ, mà những "câu chuyện kể” về chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước là một minh chứng. Đó là một trong những câu chuyện hấp dẫn và sống động nhất, thu hút được những tình cảm và sự ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho Việt Nam. Sức mạnh ấy góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, làm tiền đề cho những chiến thắng quân sự, giúp non sông Việt Nam quy về một mối.

Đường lối đối ngoại của Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, trở thành một thành viên có trách nhiệm và đáng tin cậy trong cộng đồng thế giới như đã được đề ra lâu nay chỉ có thể trở thành hiện thực trên cơ sở Việt Nam phải có khả năng đi cùng với xu thế phát triển của cả thế giới, cùng với cả thế giới phấn đấu cho trào lưu của hòa bình, tiến bộ, dân chủ, văn minh; cùng phấn đấu như thế để tự phát triển và để có khả năng hợp tác được, hợp tác có thực chất với mọi đối tác. Cần nhấn mạnh, đấy chính là đường lối đối ngoại dấn thân, dựa trên cơ sở tạo ra cho mình khả năng dấn thân – phấn đấu vì lợi ích chính đáng của chính mình, và đồng thời phấn đấu vì các lợi ích của cộng đồng thế giới. Về lâu dài, dân tộc ta ngày nay vẫn phải noi gương cha ông mình "đem đại nghĩa thắng hung tàn”, phải có bản lĩnh và thực lực để thực hiện được bài học này, phải thúc giục nhau làm cho đất nước sớm giầu mạnh lên để mau chóng trở thành một quốc gia mẫu mực trong việc "lấy chí nhân thay cường bạo”.

Chiến lược hòa bình của Việt Nam luôn là thành tố quan trọng trong tư tưởng "dĩ bất biến ứng vạn biến”. Ngày nay, trước sự đe dọa, hung hăng của việc áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam vẫn luôn giữ vững tinh thần "dĩ bất biến” kiên trì tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia liên quan và tôn trọng các giá trị văn minh của nhân loại, tức là luôn luôn coi trọng đàm phán và giải quyết vấn đề trên nền tảng công pháp quốc tế. Từ "muốn là bạn” (Đại hội VII, VIII), "sẵn sàng là bạn” (Đại hội IX), "là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội X), Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung thêm là "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, thể hiện quá trình trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động và có trách nhiệm của nước ta tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu. Điều đó thực tế đã góp phần làm gia tăng "sức mạnh mềm” của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, tạo ra thế và lực cân bằng trong việc xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực cho Việt Nam trong những năm gần đây. Trong mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ, cần lưu ý rằng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hay bất kỳ phản ứng cảm tính nào khác đều là sai lầm, chẳng hạn như tâm lý "bài Hoa”, chỉ làm mất đi sự tỉnh táo cần thiết và chỉ có thể gây thêm nguy hại mới cho đất nước. Mặt khác, nuôi dưỡng tinh thần hữu nghị và hợp tác láng giềng tốt với Trung Quốc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực lớn, trong đó cần thiết phải hết sức tỉnh táo, kiên trì và dũng cảm. Lịch sử quan hệ hai nước Việt-Trung ghi lại nhiều trang lẫm liệt, ngay sau khi đưa được "khách không mời mà đến” ra khỏi nhà mình, Việt Nam đã phải nghĩ đến cầu hòa. Không ai có thể phủ nhận nhân dân ta có nguyện vọng sâu xa và truyền thống quý báu trong xây dựng mối quan hệ đời đời này với Trung Quốc. Bản lĩnh ấy ngày nay càng quan trọng hơn bất cứ giai đoạn nào khác. Ngoại giao dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc và có trách nhiệm với thế giới chính là một nền ngoại giao mạnh của một quốc gia có nền nội trị lành mạnh và đầy sức sống. Và cũng chỉ một nền ngoại giao dấn thân như thế mới bảo vệ được đất nước ta và luôn luôn tạo ra cho nước ta sức phát triển mới.

Có thể thấy Biển Đông là một mặt trận nóng, thậm chí có lúc có thể rất nóng, nhưng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mặt trận chính quyết định giành thắng lợi ở mọi mặt trận khác, là nhân dân ta phải xây dựng bằng được nền nội trị lành mạnh làm nền tảng cho mọi quốc sách phát triển kinh tế, xã hội, ngoại giao và quốc phòng. Đây mới là vấn đề, là mặt trận quyết định vận mệnh của Tổ quốc. Thực tế ngày càng làm rõ, "dĩ bất biến ứng vạn biến” cho mọi tình huống là quan trọng hơn bao giờ hết - xây dựng nội trị lành mạnh là mặt trận chính yếu hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Đấy sẽ là bức trường thành bất khả xâm phạm bảo vệ Tổ quốc và là nền tảng xây dựng đất nước phồn vinh. Không thể ngồi chờ đợi và cũng sẽ không có chuyện một ngày đẹp trời Trung Quốc bỗng nhiên rút yêu sách "đường lưỡi bò”. Nhưng ngoại giao dấn thân và thái độ công khai minh bạch có thể huy động được dư luận trong nước và thế giới ngăn cản sự lấn tới của Trung Quốc, và trên cơ sở đó tiếp tục giữ được hòa bình trên Biển Đông, mở đường cho những triển vọng mới sau này. Đây còn là hướng đi cụ thể thúc đẩy quá trình hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cũng như tiến tới các hiệp định về hòa bình và an ninh khu vực có tính ràng buộc pháp lý cụ thể và chặt chẽ hơn.

Các chuyên gia đều cho rằng, cái gốc của "sức mạnh mềm” suy cho cùng là sự đồng lòng, là kết tinh của sự đoàn kết thống nhất toàn dân tộc. Nhưng muốn có sự đồng lòng, phải biết bao dung, biết dung hòa những khác biệt để hợp sức cho mục tiêu chung là sự giàu mạnh, phát triển bền vững cho muôn đời con cháu mai sau của cộng đồng dân tộc. Một trong những thành tố của sức mạnh tổng hợp tạo nên "sức mạnh mềm” của quốc gia trong lĩnh vực nội trị được cha ông chúng ta sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử là sự khoan thư sức dân, lấy dân làm trọng, ý niệm mạnh mẽ về chính nghĩa của dân tộc. Với những điều đó, cha ông chúng ta đã phát huy và động viên được tất cả những tiềm năng, sự sáng tạo của mỗi thành viên trong cộng đồng trên mọi lĩnh vực từ kinh tế - xã hội đến quân sự - quốc phòng và văn hóa – nghệ thuật. Lịch sử cho thấy, thời đại nào nắm vững và thực hành nghiêm túc bài học nội trị như trên luôn là thời thịnh trị với minh quân, thế nước vững chắc cùng sự no ấm của muôn dân khiến cho bao nhiêu mưu toan xâm lược đều phải tiêu vong.

Trước những hành xử hung hăng của Trung Quốc trong âm mưu bá chiếm Biển Đông, áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò” phi pháp và phi khoa học, trong tư thế tự vệ chính nghĩa, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, chủ trương cùng hợp tác, ổn định và phát triển với các nước liên quan của Việt Nam đang thực sự chuyển hóa thành "sức mạnh mềm”. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang sở hữu một "sức mạnh mềm” từ lịch sử oai hùng, bất khuất được khắc ghi bởi những người con anh hùng của dân tộc, anh dũng hy sinh trong suốt chiều dài hàng mấy thế kỷ qua để thực thi chủ quyền thiêng liêng của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó mãi mãi khắc ghi hình ảnh những dân binh của các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải từ thời các vua chúa nhà Nguyễn đến các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa tử trận năm 1974 trong cuộc hải chiến Hoàng Sa, các chiến sỹ Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam kiên cường, bất khuất cùng nắm tay nhau thành "vòng tròn bất tử” coi nhẹ cái chết trong cuộc chiến bảo vệ Trường Sa năm 1988...

"Sức mạnh mềm” của Việt Nam cũng cần được hỗ trợ bởi truyền thông tích cực và kiên trì. Cần phải làm cho mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, cộng đồng thế giới, kể cả nhân dân Trung Quốc hiểu rõ sự thật lịch sử và cơ sở pháp lý quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hiểu rõ về chủ trương "dĩ bất biến ứng vạn biến” kiên trì với chiến lược hòa bình của người Việt Nam trong việc giải quyết mọi tranh chấp quốc tế; kế thừa và thực hiện sáng tạo tư tưởng của cha ông "Đem đại nghĩa thắng hung tàn; Lấy chí nhân thay cường bạo” để "mở nền thái bình muôn thuở” không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn vì hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Nhóm PV Biển Đông

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

"Đường lưỡi bò" phi lý


“Đường lưỡi bò” trong các diễn đàn quốc tế (08/02/2012)
Bằng các tuyên bố và hành động thực tiễn mang tính gây hấn, nhiều năm qua Trung Quốc đang ra sức áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò”, mặc nhiên cho rằng cộng đồng quốc tế đã thừa nhận "chủ quyền lịch sử lâu đời” của họ trên Biển Đông. Sự thật là, yêu sách "đường lưỡi bò” bao chiếm gần trọn Biển Đông của Trung Quốc trong các diễn đàn quốc tế luôn bị phản đối vì xuyên tạc lịch sử, không có cơ sở pháp lý, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, xâm phạm chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia ven Biển Đông.


Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu 
tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) 1951 
tuyên bố chủ quyền lâu đời của Việt Nam 
tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Để làm sáng tỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng họ có "chủ quyền lâu đời” trên 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ lâu các học giả quốc tế và Việt Nam đã chỉ ra rằng: Một là, chính sử Trung Quốc từ Tiền Hán cho đến cuối đời nhà Thanh đều cho thấy điểm cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam; Hai là, không có ghi chép nào trong các bộ chính sử Trung Quốc về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà người Trung Quốc gọi là "Tây Sa” và "Nam Sa”, càng không có bất kỳ ghi chép nào nhắc đến chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này ở Biển Đông. Thế nhưng mới đây, một quan chức ngoại giao Trung Quốc lại tiếp tục cho rằng nước này đã "thu hồi” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ tay quân đội Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai để chứng tỏ "chủ quyền liên tục” của Trung Quốc trên vùng biển này. Sự thật lịch sử ghi nhận trong các diễn đàn quốc tế quan trọng trong và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai không hề có chuyện thế giới thừa nhận "chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Cụ thể là, từ ngày 23 đến ngày 27-11-1943, người đứng đầu nước Mỹ là Tổng thống Franklin D. Roosevelt, nước Anh là Thủ tướng Winston L. Spencer Churchill và Trung Hoa Dân quốc là Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã họp tại Cairo (Ai Cập) để thảo luận về việc kết thúc chiến tranh với Nhật Bản và giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có vấn đề lãnh thổ nước bị Nhật Bản cướp đoạt và chiếm đóng. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Cairo ngày 26-11-1943. Khi đề cập đến những lãnh thổ mà Nhật Bản đã cướp đoạt và chiếm của các nước khác, Tuyên bố viết: "Mục đích của ba nước (tức là Mỹ, Anh và Trung Hoa Dân quốc) là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình Dương mà nước này đã cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ đầu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ mà Nhật Bản đã cướp của người Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ phải được hoàn trả lại cho Trung Hoa Dân quốc. Nhật Bản cũng phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác mà nước này chiếm được bằng vũ lực và lòng tham”.

Như vậy, Tuyên bố Cairo khẳng định Nhật Bản chỉ chiếm của Trung Quốc Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ và buộc Nhật Bản phải trả cho Trung Quốc những vùng lãnh thổ này. Tuyên bố không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm, và vì vậy, không nói gì đến việc trao trả lại cho Trung Quốc. Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đúng là lãnh thổ của Trung Quốc từ lâu đời và bị Pháp, Nhật Bản xâm chiếm một cách phi pháp thì không có lý gì tại Hội nghị này Trung Hoa Dân quốc không đòi lại chủ quyền đối với hai quần đảo này khi họ là một trong các nước Đồng minh soạn thảo ra văn kiện trên. Sự im lặng của Trung Hoa Dân quốc, là một bên có thẩm quyền quyết định các vấn đề lãnh thổ tại Hội nghị Cairo, không thể giải thích bằng cách nào khác hơn là chính họ cũng đã biết rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Đây là một sự kiện có ý nghĩa pháp lý quan trọng, nhưng sau đó đã bị Trung Quốc cố ý lờ đi để thay đổi lập trường, coi hai quần đảo này là của Trung Quốc.

Từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945, những người đứng đầu ba nước Trung Hoa Dân quốc, Mỹ và Anh lại nhóm họp tại Potsdam (Đức). Ngày 26-7-1945, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Potsdam. Về việc giải quyết những vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của các nước, Tuyên bố Potsdam chỉ quy định đơn giản là: "Các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thi hành” (tức là Nhật Bản phải trả lại cho Trung Quốc: Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ, là những vùng lãnh thổ của Trung Quốc đã bị Nhật Bản chiếm đoạt trước kia). Như vậy, không có một nội dung nào trong Tuyên bố Potsdam coi hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc bị Nhật Bản chiếm và phải trả lại cho Trung Quốc.

Hội nghị San Francisco từ ngày 4 đến ngày 8-9-1951 tại San Francisco (Hoa Kỳ) thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á - Thái Bình Dương và bàn việc ký Hoà ước với Nhật Bản. Trong phiên họp ngày 5-9-1951, trên cơ sở cho rằng các đảo ở Biển Đông thuộc "lãnh thổ không thể nhân nhượng được” của Trung Quốc, đại biểu của Liên Xô, ông Andrei Gromưko, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đề nghị bổ sung dự thảo Hiệp ước hoà bình với Nhật Bản, theo đó: công nhận chủ quyền của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên "các đảo Paracels và các đảo khác vượt quá về phía Nam”, coi đó là lãnh thổ không thể nhân nhượng được của Trung Quốc. Đại diện của Liên Xô không đưa ra được một bằng chứng pháp lý nào khẳng định quần đảo Paracel và Spratly (Hoàng Sa và Trường Sa) là của Trung Quốc. Hội nghị đã bỏ phiếu về việc có đưa đề nghị bổ sung này ra bàn bạc hay không. Kết quả bỏ phiếu là: chỉ có 3 nước đồng ý đưa đề nghị bổ sung trên ra bàn bạc; một nước bỏ phiếu trắng, 47 nước bỏ phiếu chống. Điều đó cho thấy tuyệt đại đa số các nước tham gia Hội nghị không chấp nhận giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc, không coi đó là lãnh thổ Trung Quốc, không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại Hội nghị San Francisco, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trần Văn Hữu, đã long trọng tuyên bố trước đại biểu của 51 nước tham gia Hội nghị rằng: "Cũng vì cần phải dứt khoát lợi dụng mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những quần đảo này luôn luôn thuộc về Việt Nam”. Tuyên bố này không gặp phải sự bảo lưu hay phản đối nào của đại diện các nước tham dự Hội nghị. Đây là một biểu hiện chứng tỏ sự thừa nhận của các nước Đồng minh về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN lần thứ 17
 tại Hà Nội ngày 23-7-2010

Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội ngày 23-7-2010 trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, các Ngoại trưởng thành viên ARF một lần nữa đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, trên cơ sở thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Tại Hội nghị, đã có hơn một nửa trong tổng số 27 nước thành viên ARF, bao gồm cả các nước ASEAN lẫn các nước bên ngoài ASEAN, đề cập đến vấn đề hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong phát biểu của mình, cho thấy sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế đến vấn đề an ninh thiết thực này của khu vực. Trên thực tế, vấn đề Biển Đông luôn luôn là vấn đề ưu tiên, nổi trội trong chương trình nghị sự của ARF từ khi thành lập Diễn đàn cho đến nay. Hầu hết các quốc gia tham dự Diễn đàn đều cho rằng, trong thời gian gần đây có một số diễn biến phức tạp có thể làm tổn hại đến an ninh khu vực, điển hình là sự kiện Trung Quốc công khai hóa yêu sách "đường lưỡi bò” trên Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là "vùng nước lịch sử” xếp vào hạng "lợi ích cốt lõi” của quốc gia này, cùng một loạt các hoạt động thiếu kiềm chế khác như bắt giữ ngư dân một số nước ASEAN và gây sức ép với các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên Biển Đông.

Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông” tại Jakarta (Indonesia) kết thúc chiều 31-5-2011 đã ra Tuyên bố Jakarta. Tuyên bố khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với bản đồ "đường lưỡi bò” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Tại Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) diễn ra từ ngày 13 - 17-6, tại New York (Hoa Kỳ), đề cập đến việc Trung Quốc đã liên tục phá hoại hoạt động khảo sát bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh khẳng định đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của Công ước. Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam cũng bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định đường yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển. Tại Hội nghị, Trưởng đoàn Philippines, ông Henry Bensurto nói: "Các quy tắc của pháp luật là nền tảng của hòa bình, trật tự, và công bằng trong xã hội hiện đại. Tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế là cách bảo vệ hòa bình và giải quyết xung đột”. Ông cũng lên án việc gia tăng các xung đột gần đây trên Biển Đông, thậm chí là xung đột tại vùng biển và thềm lục địa trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Philippines cũng phản đối việc Trung Quốc mở rộng khái niệm về khu vực tranh chấp trên Biển Đông bằng "đường lưỡi bò”.

Tại Diễn đàn an ninh ASEAN ở Bali, Indonesia vào sáng ngày 23-7-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố một số nước đã đưa ra những đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ pháp lý và kêu gọi các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông phải đưa ra các bằng chứng hợp pháp và cụ thể. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi các bên làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông theo các điều khoản phù hợp với luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có những điều khoản được nêu trong Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc. Phù hợp với luật pháp quốc tế, những tuyên bố chủ quyền về vùng biển tại Biển Đông phải dựa trên những tuyên bố hợp pháp đối với lãnh thổ”. Theo các nhà bình luận quốc tế thì tuyên bố này của Mỹ được xem như một thông điệp phản bác yêu sách "đường lưỡi bò” vô lý và hoang đường của Trung Quốc trên Biển Đông. Cũng tại Hội nghị này, Ngoại trưởng Philippines Albert F.Del Rosaria khẳng định: "Philippines chắc chắn rằng "đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có giá trị gì theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc”. Ngoại trưởng Indonesia Marty cũng khẳng định Indonesia từ trước tới nay vẫn phản đối "đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra và Indonesia đã đệ trình quan điểm phản đối của mình lên Liên Hợp Quốc.

Cao điểm của các sự kiện liên quan đến Biển Đông gần đây là việc vấn đề Biển Đông được nêu ra trước diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào ngày 19-11-2011 tại Bali (Indonesia). Mặc dầu có sự phản đối của Trung Quốc, 15 nước không những đồng ý đem vấn đề Biển Đông ra thảo luận, mà còn đi đến kết luận là tranh chấp phải được giải quyết một cách hoà bình, tôn trọng luật quốc tế, nguyên tắc tự do hàng hải phải được bảo vệ. Lý do chính dẫn đến việc đồng tình này là vì có thể nói là trong vài năm qua, và đặc biệt là trong năm 2011, Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng, không những đối với những nước có quyền lợi trực tiếp lớn nhất trong khu vực Biển Đông như Việt Nam hay Philippines, mà còn đe dọa an ninh của các nước khác trong và ngoài khu vực... Hầu hết các quốc gia đều gián tiếp hay trực tiếp phản bác yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc và khẳng định rằng đó là yêu sách vi phạm luật pháp quốc tế và cần phải được dẹp bỏ.

Nhóm PV Biển Đông

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012


Học giả Việt Nam chống lại sự áp đặt “đường lưỡi bò” (06/02/2012)
Những năm gần đây hiện tượng học giả Trung Quốc chèn bản đồ "đường lưỡi bò” phi pháp và phi khoa học vào các bài viết trên các ấn phẩm khoa học quốc tế ngày càng trở nên phổ biến. Âm mưu này của họ đã bị cộng đồng người Việt Nam khắp nơi trên thế giới, mà đặc biệt là các nhà khoa học người Việt Nam, vạch trần và phản đối quyết liệt, mang lại những thắng lợi đầy ấn tượng trong giới khoa học quốc tế.
Bản đồ có "đường lưỡi bò” trên tạp chí EESJ 
chèn theo bài báo không có nội dung liên quan của học giả Trung Quốc
Ảnh: T.L

TS Trần Ngọc Dũng (Canada) cho biết, vào ngày 29-10-2011, ông và một số học giả Việt Nam tại Canada đã gửi thư đến Ban biên tập Tạp chí Environmental Earth Sciences Journal (EESJ) để phản đối việc "đường lưỡi bò” xuất hiện dày đặc trên tạp chí này. Sau khi nhận được thư của nhóm học giả Việt Nam tại Canada, Tổng biên tập EESJ là GS James W. La Moreaux đã hứa sẽ xem xét kỹ vấn đề này. Tiếp đó, TS Trần Ngọc Dũng bình luận: "EESJ là tạp chí được nhiều nhà nghiên cứu lựa chọn để công bố những công trình cho một khu vực địa lý nhất định với nội dung bao trùm mọi lĩnh vực về tương tác lẫn nhau giữa con người và môi trường địa lý. Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn đang đối mặt nhiều vấn đề môi trường phát sinh từ tăng trưởng kinh tế nóng. Thực trạng này là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học nên các bài viết về nước này xuất hiện khá nhiều trên EESJ và "đường lưỡi bò” có cơ hội "ăn theo”. Tuy nhiên, trong tháng 11-2011 không thấy xuất hiện "đường lưỡi bò” trong Tạp chí này nữa. Có thể vì ban biên tập đã kiểm soát chặt hơn sau khi nhận được bài bác bỏ của chúng tôi”.

Trong năm 2011, trước việc phiên bản tiếng Hoa bản đồ thể hiện yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông đăng trên Google, nhóm các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đã gửi thư phản đối tới Ban lãnh đạo Google. Nội dung bức thư nêu rõ: "Đường lưỡi bò” đang bị không chỉ các nước trong vùng Đông Nam Á mà còn bị hầu hết các nước trên thế giới phản đối liên tục. Các nhà khoa học cảnh báo tấm bản đồ có chèn thêm "đường lưỡi bò” vào những bài viết của tác giả người Trung Quốc là việc làm phi khoa học. Các nhà khoa học phản đối việc này và đề nghị Google xóa bỏ bản đồ "đường lưỡi bò” phi lý và phi pháp này trên trang bản đồ của mình.

"Đường lưỡi bò” nếu tiếp tục tồn tại trên Google Maps càng lâu, càng làm tổn hại thêm nữa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Phillipines và các nước khác trong vùng Đông Nam Á” - bức thư nhấn mạnh. Đây không phải là lần đầu tiên Google có những sai sót liên quan tới đường biên giới lãnh thổ của Việt Nam. Vào tháng 3-2010, bản đồ trực tuyến Google Maps vẽ sai lệch đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 19-4-2011, Tạp chí khoa học quốc tế Quản lý chất thải (Journal of Waste Management- Italy) đã đăng tải một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc (Jun Tai, Weiqian Zhang, Yue Che và Di Feng – công tác tại Phòng Nghiên cứu trọng điểm Thượng Hải về đô thị hóa và khôi phục sinh thái, Đại học East China Normal và Viện Nghiên cứu thiết kế kỹ thuật môi trường Thượng Hải, Trung Quốc) với tiêu đề: "Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn ở Trung Quốc: Một phân tích so sánh” (Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis). Trong bài báo này các tác giả Trung Quốc đã chú thích sai sự thật về bản đồ Trung Quốc có liên quan đến chủ quyền Việt Nam. Theo đó, các tác giả Trung Quốc đã sử dụng một ảnh minh họa thể hiện rõ "đường lưỡi bò” vẫn được Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Bài báo thực chất chỉ để một số thành phố trong khu vực nghiên cứu thử nghiệm của Trung Quốc nhưng lại chèn bản đồ "đường lưỡi bò” chẳng liên quan gì tới nội dung.

Động thái này của các học giả Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm và phản ứng mạnh mẽ của các học giả Việt Nam. TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: "Theo các đồng nghiệp ở nước ngoài thì từ trước đến nay, Tạp chí này cũng đã đăng nhiều bài báo của các tác giả người Trung Quốc có bản đồ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ có "đường lưỡi bò” như lần này”. Ông nói: "Rõ ràng đây là bước đi có chủ ý của Trung Quốc lấn dần từng bước với mục đích tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế”. TS. Trường đề nghị: "Đây là tạp chí quốc tế về chất thải rắn có tiếng trên thế giới có tác động rất lớn đến cộng đồng khoa học, cho nên phía Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc. Không chỉ có các nhà khoa học Việt Nam mà các hiệp hội khoa học, các tổ chức xã hội kể cả các tạp chí khoa học chuyên ngành của nước ta cần phải lên tiếng về "sự cố” do Trung Quốc gây ra. Đây rõ ràng là một kênh thông tin rất cần các chuyên gia Việt Nam phản ứng nhanh và có hiệu quả”.

Sau khi phát hiện bài báo "China’s Demographic History and Future Challenges”, do tác giả người Trung Quốc Xizhe Peng đăng trên Tạp chí Science, số 29-7-2011, trong đó tác giả đã công bố bản đồ "đường lưỡi bò” thì nhiều học giả gốc Việt trên thế giới đã rất bất bình, nhất là trên tờ Science - một tạp chí khoa học rất có uy tín trên giới học thuật quốc tế, có lượng độc giả rất cao. Một thư phản kháng đã được soạn thảo và trong thời gian ngắn đã có 57 chuyên gia trí thức ở trong và ngoài nước đồng ký tên (hiện nay đã lên đến hơn 180 chữ ký). Ngày 21-8-2011 đại diện nhóm các học giả gốc Việt đã gửi thư này đến TS Alan I. Leshner, nhà xuất bản và TS Bruce Alberts, Tổng Biên tập Tạp chí Science. Nhận thấy có những tạp chí khác như tờ Nature đã có đăng những bản đồ tương tự, các nhà khoa học Việt Nam đã quyết định dịch bản tiếng Anh, ra tiếng Pháp và gửi đến rất nhiều tạp chí khoa học khác trên thế giới. Cho tới nay đã có trên một trăm tờ báo, tạp chí khoa học quốc tế nhận được văn thư có 57 chữ ký ban đầu của nhóm các nhà khoa học Việt Nam nói trên. Thư có nội dung chính như sau: "Chúng tôi là một số giáo chức và chuyên viên kỹ thuật đang sống tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng tôi xin cảnh báo với nhà xuất bản về sự thiên vị thể hiện rõ trong hình vẽ bản đồ nước Trung Quốc trong bài viết của những nhà khoa bản và chuyên viên Trung Quốc gửi đăng trên các tạp chí uy tín như Science, Nature, Climate Change, Agricultural Water Management, Waste Management, đây chỉ nêu ra một vài thí dụ. Trò ảo thuật liên quan đến việc bao gồm những vùng biển và đảo đang tranh chấp phía đông của Việt Nam song song với việc loại bỏ những quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Philippines trong bản đồ vẽ tay nước Trung Quốc xuất hiện trong những bài viết của họ. Đây là một phần của nhiều hành động đầy tính toán của Trung Quốc để hợp thức hóa những tranh giành lãnh thổ của họ. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã đơn phương giành chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông Nam Á, tự xưng là "vùng biển lịch sử” của Trung Quốc. Vùng biển này, diện tích khoảng 350,000km2, bao trùm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn còn đang trong vòng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunie, Đài Loan, và gần đây là Trung Quốc (nước đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số đảo phía Tây Trường Sa của Việt Nam sau hai trận hải chiến đẫm máu năm 1974 và năm 1988). Chèn vào một bản đồ Trung Quốc vẽ tay ngụy tạo bao gồm toàn bộ Biển Đông trong những bài nghiên cứu có xuất xứ từ Trung Quốc nhắm vào các tạp chí khoa học và các tạp chí khác có tiếng trên thế giới là một trong những âm mưu thâm độc của Nhà nước Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc hy vọng với sự thường xuyên xuất hiện bản đồ Trung Quốc gồm đường biên giới lưỡi bò sai trái này trên các tạp chí nổi tiếng và có nhiều tín nhiệm trên thế giới và không bị phê phán, phản đối từ các ban biên tập và độc giả thì họ dùng đó làm bằng chứng không chính danh cho chủ quyền trên toàn vùng Biển Đông”.

Tri thức Việt Nam đã thu được những thắng lợi quan trọng từ cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại việc lợi dụng khoa học để áp đặt "đường lưỡi bò”. Một thắng lợi làm chấn động cả cộng đồng khoa học quốc tế là Tạp chí lừng danh Nature đã lên án hành động lấp liếm và phản khoa học cuả các học giả Trung Quốc về vấn đề trên đồng thời tuyên bố "sẽ không có chỗ cho đường lưỡi bò” trên Tạp chí này. Một tạp chí lừng danh khác là Science bị phản đối và cũng đã nhận thức được tính phi pháp của "đường lưỡi bò”. Tạp chí Science cũng đã ra "tuyên bố về vấn đề này”. Mới đây, tạp chí khoa học số một thế giới Nature trong số ra ngày 20-10-2011 đã đăng hai bài viết liên quan đến Biển Đông: bài xã luận "Uncharterd Territory” (Lãnh thổ không được công nhận) và một bài khác có tựa đề "Angry words over East Asia Seas” (Những câu chữ tức giận trên Biển Đông) của phóng viên David Cyranoski phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tạp chí này. Hai bài viết thể hiện thái độ phản đối cũng như vạch trần âm mưu của Trung Quốc trong việc lợi dụng khoa học để phục vụ mục đích chính trị của mình, cụ thể trong trường hợp này là nhằm hợp lí hóa bản đồ "đường lưỡi bò” do chính quyền nước này đưa ra trước đó.



Trang web của tạp chí lừng danh Nature 
và bài báo "Những câu chữ tức giận trên Biển Đông”
 vạch trần âm mưu lợi dụng khoa học 
để áp đặt "đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Đây có thể nói là một thắng lợi cực kỳ quan trọng của tri thức Việt Nam trong quá trình đấu tranh xóa "đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là một sự phản ứng kịp thời của tri thức Việt Nam với các "học giả lưỡi bò”, tác giả của các bài báo khoa học có chèn "đường lưỡi bò” phi lý, phi pháp của Trung Quốc. Động thái này chứng tỏ rằng Science đã bị thuyết phục bởi các tri thức Việt Nam, buộc họ phải tôn trọng tính chân thật trong khoa học và phải giữ cho môi trường xuất bản các ấn phẩm khoa học không bị hoen ố bởi những mục tiêu chính trị. Việc Science cho đăng bức thư trên ngay sau bài báo của học giả Trung Quốc có chèn "đường lưỡi bò” trên Science càng làm cho các "học giả lưỡi bò” của Trung Quốc thêm mất uy tín. Họ sẽ phải tự suy nghĩ lại, tiếp tục ôm mộng "đường lưỡi bò” phi lý, phi pháp và chịu sự phê phán của cộng đồng khoa học quốc tế, hay từ bỏ hành động chèn "đường lưỡi bò” vào các ấn phẩm khoa học. Như vậy đến thời điểm này, hai tạp chí vào hàng bậc nhất thế giới trong khoa học, Nature và Science, đã tỏ rõ thái độ không chấp nhận đối với "đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các tạp chí khác có quyền tẩy chay các bài báo có "đường lưỡi bò”, bởi một tạp chí khoa học nghiêm túc không bao giờ chấp nhận bị lợi dụng bởi những mục tiêu chính trị và không bao giờ muốn những ấn phẩm của họ bị phản đối.

Theo đánh giá của một số nhà khoa học, xét trong một chừng mực nào đó, việc gửi bản đồ có yêu sách "đường lưỡi bò” đến các tạp chí khoa học không đơn giản là một chiến thuật mới mà là hệ quả tất nhiên từ chính sách có tính toán của Trung Quốc. Trước hết, những điều Trung Quốc làm là nhằm bình thường hóa "đường lưỡi bò”, vốn là một thứ bất thường và vô lý, trong nhận thức của thế giới. Trung Quốc sẽ nói rằng những ấn phẩm khoa học với "đường lưỡi bò” là những sự công nhận của thế giới, và nói rằng sự không phản đối là sự thừa nhận. Chiến lược của Trung Quốc là chiếm Biển Đông bằng sự kiểm soát trên thực tế, và quảng bá "đường lưỡi bò” sẽ góp phần tạo ấn tượng là Trung Quốc có kiểm soát trên thực tế.

TS Dương Danh Huy (Anh) khuyến nghị Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa trong việc phòng chống sự lợi dụng khoa học để áp đặt "đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Theo đó, chúng ta phải xây dựng cơ sở hạ tầng để "phòng cháy”, "phát hiện”, và "chữa cháy”. "Phát hiện” thì chúng ta có gần 100 triệu người Việt trong nước và ở nước ngoài. Sau khi "phát hiện” thì cách "chữa cháy” hiệu nghiệm nhất là một cơ quan có thẩm quyền nhà nước viết thư yêu cầu chỉnh sửa những thông tin sai trái. Song song với yêu cầu chỉnh sửa, cơ quan có thẩm quyền nhà nước đó phải "phòng cháy” bằng cách lưu ý đối tượng về rủi ro liên quan tới thông tin sai trái, và nguyên tắc để xử lý. Cơ sở hạ tầng cho những việc trên chỉ cần một website hay địa chỉ email và một vài nhân viên làm việc bán thời gian cho cơ quan có thẩm quyền nhà nước để yêu cầu chỉnh sửa những thông tin sai trái. Ngoài ra, chúng ta phải "phòng cháy” rộng rãi hơn bằng cách nâng cao ý thức và kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa, về tranh chấp Biển Đông và nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của Việt Nam trong vấn đề này. Với công luận thế giới GS Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liege, Bỉ) khẳng định: "Khi chúng ta có chính nghĩa, khi chúng ta nắm vững luật pháp quốc tế, tính khách quan vô tư của khoa học, ta sẽ đi đến chiến thắng dù đối phương có thế lực đến đâu chăng nữa”.

Nhóm PV Biển Đông

Tiến sỹ Việt Nam đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa


Tiến sỹ Việt Nam đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ ba 07/02/2012 00:01
ANTĐ - Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Mão, những du khách đến tham quan hội chợ tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) rất ấn tượng với một chương trình biểu diễn ca trù và hát thơ về các món ăn của Việt Nam kéo dài trong nhiều ngày. Nhưng có lẽ người tổng chỉ huy của chương trình ấy mới thực sự ấn tượng hơn cả. Ông là Tiến sỹ Nguyễn Nhã, là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Luận án Tiến sỹ khoa học của Tiến sỹ Nguyễn Nhã đã khẳng định thêm một lần nữa
chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
“Dũng sỹ học thuật”

Năm 63 tuổi, ở độ tuổi mà những người cùng trang lứa đã “nghỉ ngơi” vui vầy cùng con cháu thì Nguyễn Nhã mới bắt tay vào việc bảo vệ luận án Tiến sỹ với đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Ngay từ năm 26 tuổi, vừa tốt nghiệp 2 trường Đại học Sư phạm và Văn khoa, Nguyễn Nhã làm chủ bút tờ Tập san Sử địa vào năm 1966. Rồi chỉ sau đó 9 năm, chàng thanh niên này đã tổ chức một triển lãm chuyên đề trưng bày tư liệu, hình ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa ở Thư viện Quốc gia. Vì thế, cái duyên của ông với Trường Sa và Hoàng Sa đã gắn kết ông với đề tài mang tầm quốc gia này. 

Hôm bảo vệ Đề cương Luận án cũng có ý kiến cho rằng đề tài này phải là đề tài cấp quốc gia mới làm nổi. Song, với kinh nghiệm của một người nghiên cứu chuyên sâu về Trường Sa, Hoàng Sa, ông đã bảo vệ với luận điểm: cá nhân nghiên cứu cũng có mặt mạnh riêng, nhất là vấn đề học thuật. Với những lý lẽ riêng và bằng vốn kiến thức sâu rộng của một nhà sử học, đặc biệt là với cái tâm trong sáng của một người suốt đời dành cho học thuật, Nguyễn Nhã đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vào năm 2003. Và có một câu chuyện vui đến giờ TS Nguyễn Nhã mới chia sẻ sau khi ông bảo vệ luận án. Đó là việc mọi người ghi nhận ông như một “dũng sỹ học thuật”, dám vượt qua nhiều thử thách và kiên định theo đuổi đề tài đến cùng. PGS.TS Huỳnh Lứa đã nói với ông rằng “Bản thân anh đã dũng cảm mà ngay người nhận hướng dẫn cũng dũng cảm không kém”. Sau này khi bảo vệ thành công, một luật sư của Công ty Mai Linh đã đến nhà tặng TS Nguyễn Nhã chữ Dũng được lồng khung kính hiện ông vẫn treo ở nhà.

Chưa một lần đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa

Điều đặc biệt, cho dù nghiên cứu rất sâu về Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí đã trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ về quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, Hoàng Sa nhưng Tiến sỹ Nguyễn Nhã chưa một lần đặt chân tới 2 vùng biển này. Do đề tài chỉ “khoanh vùng” về “quá trình xác lập chủ quyền”, nên ông đã đi đến tất cả các thư viện sưu tập tài liệu và nơi xa nhất mà ông từng đến chỉ là cái nôi của đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải tại huyện đảo Lý Sơn ngày nay. 

Ấn tượng sâu sắc về những người dân đảo đã đọng lại trong ông là tình yêu với biển đảo quê hương. Những người dân ấy không chỉ gắn bó với lễ Khao Lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 19, 20 tháng 2 âm lịch mà còn dũng cảm tiếp nối truyền thống ấy của những người lính năm xưa đi đánh bắt cá xa bờ ở Hoàng Sa và Trường Sa như một cách tự nhiên khẳng định chủ quyền của cha ông ta trên vùng biển đặc biệt này. Tận mắt chứng kiến những điều này, ông càng có thêm sức mạnh để vượt qua nhiều khó khăn trở ngại trong quá trình bảo vệ luận án để một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam qua nhiều bằng chứng khoa học lịch sử. 

Với tư cách là một nhà sử học yêu nước và nghiên cứu chuyên sâu về Hoàng Sa, Trường Sa, Tiến sỹ Nguyễn Nhã còn là một người rất yêu văn thơ, đặc biệt là ẩm thực Việt Nam. Ông đã từng nói rằng: “Muốn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, mỗi người Việt Nam cần có một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường”. Vốn là người nghiên cứu và dạy môn văn hóa Việt Nam,   TS Nguyễn Nhã nhận thấy Văn hóa ẩm thực Việt Nam rất độc đáo, có thể sánh với ẩm thực Trung Quốc hay Pháp. Vì thế, đã nhiều năm giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam và nay là Trưởng Đề án bếp Việt, ông đã nghiên cứu xây dựng lý luận bếp Việt, đã ra cuốn sách “Bản sắc ẩm thực Việt Nam”, “Độc đáo ẩm thực Thăng Long Hà Nội”, “Độc đáo ẩm thực Huế” hiện đang biên soạn cuốn Phở Việt.

Tuy nổi tiếng trong lĩnh vực sử học và ẩm thực nhưng Tiến sỹ Nguyễn Nhã luôn coi những việc ông đã và đang làm là một cách lui về “hậu đài” để cổ vũ những hạt nhân sáng tạo làm cho đất nước hùng mạnh. Như trong giảng dạy, ông luôn để học trò đi trước, làm việc nhiều, nói nhiều hơn thầy. Ông luôn tự nhủ: nên lấy vui làm lãi. Vui thì quên cả mệt nhọc, quên cả tuổi tác và hăng hái tiếp tục làm…
Phạm Thu Hương

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Hải quân Việt Nam dùng hạm đội tàu ngầm như thế nào?


Hải quân Việt Nam dùng hạm đội tàu ngầm như thế nào?

(Phunutoday) - Phòng thủ, ngăn chặn từ xa tàu chiến mặt nước của địch khó khăn một thì ngăn chặn tàu ngầm nguyên tử và các loại khác của địch khó khăn mười.

Tàu ngầm nguyên tử của địch mang tên lửa có khả năng cơ động bí mật, dài ngày tại những vùng biển nằm ngoài khả năng chống ngầm của ta, tấn công bất ngờ bằng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hủy diệt lớn, tên lửa hành trình vào các mục tiêu trên biển và trên đất liền với chiều sâu tấn công hàng nghìn km.

Lực lượng tàu ngầm khác với những trang bị hiện đại (tàu ngầm mini, robot ngư lôi) có khả năng tiếp cận tuyến phòng thủ ven biển của đối phương và phá hủy các khu vực phòng thủ biển, vô hiệu hóa các trận địa tên lửa bờ biển.

Vì thế đương nhiên Hải quân Việt Nam phải tìm mọi cách hạn chế tối đa tàu ngầm địch vào sâu trong thềm lục địa với hệ thống chống và phát hiện tàu ngầm như phao thủy  âm, thủy lôi.

Thủy lôi thực ra là mìn của Hải quân được gài trong lòng biển chủ yếu bằng neo vào đáy biển (có loại gài sát đáy biển) chờ tàu địch. Dưới tác động của tàu như va chạm và các trường vật lý (sóng âm, sóng điện từ) thủy lôi sẽ phát nổ.

Thủy lôi thời thế chiến lần 2 chủ yếu là chạm nổ (tiếp xúc) nhưng ngày nay thì nó được cải tiến với những thiết bị dò tìm mục tiêu, hệ thống nhận biết địch ta, thiết bị có khả năng tự kích hoạt hoặc kích hoạt theo tình huống rất hiện đại.

Chẳng hạn như thủy lôi neo và phóng mìn phản lực nổi RM-2 được sử dụng để tiêu diệt tàu nổi và tàu ngầm. Trong thân mìn là động cơ phản lực nhiên liệu rắn. Thủy lôi được phóng về phía mục tiêu sau khi thiết bị kích nổ được kích hoạt bằng các trường vật lý phát ra từ tàu mục tiêu.

RM-2 bị kích nổ phi tiếp xúc khi chạm vào khu vực trường lực của mục tiêu và cả kích nổ bằng tiếp xúc.
Thủy lôi phản lực RM-2 được gài bởi tàu ngầm.
Thủy lôi phản lực RM-2 được gài bởi tàu ngầm.

Hoặc thủy lôi đáy loại MDS được sử dụng để tiêu diệt các tầu nổi và tầu ngầm đối phương. Thủy lôi có thể sử dụng để phong tỏa hải cảng đối phương, bí mật đặt trên đường hàng hải của địch hoặc bảo vệ bờ biển, khu vực biển một cách bí mật.

Thủy lôi tự cơ động đến vị trí đặt mìn bằng động cơ đẩy của ngư lôi. Thủy lôi được kích nổ bằng thiết bị kích hoạt gây nổ bởi từ trường hoặc sóng âm trong bán kính 50m.
 
ư

Thủy lôi tự cơ động đáy MDS được gài bởi tàu ngầm

Như  vậy có thể nói thủy lôi có thể phòng thủ nhưng khi tham gia tấn công cũng rất nguy hiểm.

Bố trí các trận địa thủy lôi tại những nơi mà địch bắt buộc phải đi qua, những nơi cần phòng thủ không những tạo nên một hàng rào “chướng ngại vật” địch muốn khắc phục không dễ dàng mà còn hình thành một lực lượng tấn công trực tiếp nguy hiểm.

Khi chưa có tàu ngầm thì thủy lôi được coi như  là một lực lượng và phương tiện tấn công và phòng thủ trong lòng biển hiệu quả nhất. Nó có thể phong tỏa toàn bộ đường giao thông hàng hải, bến cảng, tấn công tiêu diệt tàu chiến…
Khi lực lượng tàu ngầm xuất hiện thì vai trò của thủy lôi giảm đi nhưng nó vẫn không thể thiếu trong tác chiến hiện đại dưới mặt biển.

Có thể nói đây sẽ là phương thức bảo vệ phi đối xứng hiệu quả nhất của Hải quân Việt Nam nói riêng và của bất kỳ một quốc gia nghèo nào có bờ biển dài chống lại các lực lượng Hải quân hiện đại của địch.

Các phương tiện săn ngầm trên không, trên biển hoạt động liên tục, thường xuyên trong tầm bảo vệ của lực lượng phòng thủ mà không sợ bị địch săn lại. Hai chiếc Gepard 3.9 với chức năng chuyên về chống ngầm cùng với 6 chiếc KILO đã tăng khă năng rất lớn trong việc phòng thủ chống ngầm.

Nếu như có làm chủ vùng trời mà trong thềm lục địa tàu ngầm đối phương làm mưa làm gió  thì hệ thống phòng thủ bờ coi như sụp đổ. Chẳng hạn như vài chiếc tàu ngầm địch ung dung thả thủy lôi trong vùng biển của ta cũng gây ra vô vàn khó khăn cho hoạt động quân sự cũng như kinh tế của ta trên mặt biển…

Bởi vậy tác chiến tàu ngầm là nghệ thuật tác chiến quan trọng nhất trong phòng thủ. Đó là các hoạt động tìm kiếm tiếp cận tiêu diệt mục tiêu được giao; phục kích tại những nơi xung yếu; thả mìn thủy lôi tại vùng biển của ta hoặc sâu trong vùng biển địch; tập kích độc lập hay hợp đồng vân vân và vân vân.

Với hạm đội tàu ngầm 6 chiếc KILO tuy quá ít ỏi (nếu tấn công xâm lược) nhưng cũng đủ để phòng thủ. Vì mỗi tàu ngầm có thể quản lý rất nhiều mục tiêu, có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ như tập kích, phục kích, rải mìn thủy lôi, quét mìn…

Vấn đề là sử dụng nó như thế nào? Chắc chắn trong tay của Hải quân Việt Nam tàu ngầm KILO sẽ trở nên nguy hiểm hơn so với lý thuyết.
>>Vũ khí phòng thủ từ xa dưới lòng biển Việt Nam
Tóm lại: Phòng thủ từ xa từ hướng biển là một yêu cầu chiến lược bức thiết sống còn. Tùy theo khả năng quốc phòng để tạo ra một vành đai phòng thủ tầm xa hay tầm gần.
Tuy nhiên phòng thủ từ xa không những chỉ là bằng vũ khí hiện đại công nghệ cao mà phải trên cơ sở học thuyết quân sự Việt Nam, học cách tổ tiên ta đã từng phòng thủ hay gần đây nhất trong trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Đó là phòng thủ tích cực, chủ động với tư tưởng tấn công. Khi cần thiết sẵn sàng tấn công vào nơi chúng xuất phát.

Với điều kiện thế và lực hiện nay vấn đề này tin chắc rằng nó không phải là điều mới mẻ trong tư duy của giới quân sự Việt Nam.

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Thư gửi Toàn quyền Đông Dương về chủ quyền Hoàng Sa


Thư gửi Toàn quyền Đông Dương về chủ quyền Hoàng Sa

02/02/2012 09:22:59
- Ngài Thân Trọng Huề, nguyên là thượng thư Bộ Binh, qua đời năm 1925, trong một bức thư đề ngày 3 tháng 3 năm ấy, đã viết "những hòn đảo này luôn luôn thuộc chủ quyền của nước An-Nam, việc này không có gì để bàn cãi cả”.
Số 151K-A Huế, ngày 22 tháng 01 năm 1929

Khâm sứ Trung Kỳ
Kính gửi Ngài Toàn Quyền Đông Dương,
HÀ NỘI

Tôi xin trân trọng báo tin Ngài biết tôi đã nhận thư số 103-A Ex đề ngày 12 tháng Giêng năm 1929 liên quan tời chủ quyền của Quần đảo Hoàng Sa.

Vấn đề này là một đề tài đã được nghiên cứu kỹ lưỡng năm 1925 sau chuyến đi khảo sát của ông giám đốc Viện Hải dương học và Ngư nghiệp Nha Trang.

Không có cái gì mới được phát hiện từ ngày ấy giúp giải quyết dứt điểm vấn đề chủ quyền còn tranh cãi, do đó tôi chỉ có thể trình bày lại với Ngài quá trình những sự kiện đã được khẳng định sau chuyến khảo sát nói trên.

Cái mê cung các hòn đảo nhỏ san hô và bãi cát tại đó đã làm cho các người di biển lo ngại. Quần đảo Hoàng Sa hoang vu và khô cằn được coi là đang còn “vô chủ” cho tới đầu thế kỷ trước.

Trong quyển sách viết về “”Địa lý Nam Kỳ” dịch ra tiếng Anh và đăng trong “Báo của Hội châu Á xứ Bengale” năm 1838, Đức Ông Jean - Louis TABERD, giám mục xứ Isauropolis, giám mục tông tòa xứ Nam Kỳ, Cao Miên và Champa đã viết về việc Vua Gia Long đã từng đem quân ra chiếm đóng Quần đảo Hoàng Sa năm 1816 và đã làm lễ thượng kỳ lá cờ Nam Kỳ một cách long trọng tại đó.
Tuy nhiên vẫn còn có sự nghi ngờ về tính xác thực của sự kiện chính Vua Gia Long đã đích thân ra chỉ huy sự chiếm đóng Quần đảo thế nhưng sự việc này là có thực và đã được khẳng định trong các biên niên kỷ của Chính phủ An-Nam như là “Đại Nam Nhất Thống Chí” quyển 6, và “Nam Việt Địa Dư” quyển 2, về địa lý nước An-Nam xuất bản vào năm thứ 14 triều Vua Minh Mạng và sau cùng trong “Đại Nam Nhất Thống Chí” quyển 6 về “địa lý” dưới triều Vua Duy Tân.

Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa. Ảnh tư liệu
Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa. Ảnh tư liệu


Những tài liệu nói trên được lưu giữ tại các thư viện của Chính phủ An- Nam đã cung cấp thêm cho chúng tôi nhiều chi tiết sau đây:

Trong những triều đại trước đây, một đội quân gồm 70 lính tuyển mộ trong dân chúng làng Vĩnh An đã được phái ra đóng đồn tại Quần đảo Hoàng Sa, lấy tên là “Đội Hoàng Sa”. Một đội khác mang tên “Độị Bắc Hải” được thành lập sau đó và được đặt dưới quyền chỉ huy của “Đội Hoàng Sa”

Vua Gia Long tổ chức lại những đội quân đóng tại Hoàng Sa nhưng sau đó lại cho rút về. Hình như về sau không tổ chức lại nữa.

Dưới triều Vua Minh Mạng có nhiều đoàn của Chính phủ được gửi ra nghiên cứu và khai thác tại Quần đảo. Một đoàn đã phát hiện một ngôi chùa cổ trong đó có ghi một hàng chữ.

Năm 1838, nhà Vua lại phái ra Quần đảo một đội thợ xây cùng các nguyên vật liệu để xây dựng một ngôi chùa và một tấm bia nhằm đánh dấu kỷ niệm sự có mặt của họ đã đến dây. Trong khi khảo sát địa điểm để xây dựng, họ đã phát hiện khoảng 2000 cân đồ vật khác nhau như đồng cán mỏng, sắt, gang v.v…, dấu tích chứng tỏ có sự hiện diện của những chủ nhân nào đó trên đảo trước đây.

Hiện tại lúc này, hình như nước An-Nam không còn liên lạc gì với Quần đảo Hoàng Sa. Nhiều ngư dân và các chủ ghe thuyền vùng ven biển hầu như không hề biết gì về các hòn đảo này và không ai tổ chức ra ngoài đó nữa.
Nhà nước được chúng ta bảo hộ đã khẳng định từ lâu đời chủ quyền của họ đối với Quần đảo Hoàng Sa, và ngài Thân Trọng Huề, nguyên là thượng thư Bộ Binh, qua đời năm 1925, trong một bức thư đề ngày 3 tháng 3 năm ấy, đã viết” những hòn đảo này luôn luôn thuộc chủ quyền của nước An-Nam, việc này không có gì để bàn cãi cả”.
(...)

Đã ký: Le FOLE

Sao y bản chính. Có con dấu tròn ghi: Phủ Toàn quyền Đông Dương - Cục Chính trị. 

Người dịch: Thân Trọng Ninh (Huế)