Khác biệt ý kiến giữa Dương Danh Huy và Trương Nhân Tuấn về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông
Dương Danh Huy
Xin được tiếp tục giới thiệu tới độc giả cuộc tranh luận giữa hai quan điểm khác biệt trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông của hai nhà nghiên cứu Dương Danh Huy và Trương Nhân Tuấn.
1. Sự khác biệt ý kiến
Gần đây talawas đăng một số bài nêu lên một số khác biệt ý kiến giữa tôi và ông Trương Nhân Tuấn về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông[1].
Theo tôi hiểu, sự khác biệt giữa tôi và ông Trương Nhân Tuấn đại khái như sau - xin lỗi nếu thật sự là tôi hiểu lầm.
Trước hết, tồn tại một sự khác biệt liên quan tới đường cơ sở 1982 của Việt Nam:
Ông Trương Nhân Tuấn cho là đường cơ sở đó phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và có lợi cho Việt Nam. Tôi cho là đường cơ sở đó không phù hợp với UNCLOS và không có lợi cho Việt Nam.
Trong tương lai tôi sẽ viết về đường cơ sở 1982 của Việt Nam. Trong bài này tôi sẽ viết về sự khác biệt ý kiến liên quan tới HSTS, có lẽ là sự khác biệt quan trọng hơn. Sự khác biệt này đại khái như sau.
1.1 Quan điểm của Dương Danh Huy
Tôi muốn Việt Nam giành được/giữ được:
- (a) Chủ quyền đối với các đảo HSTS;
- (b) Lãnh hải 12 HL chung quanh mỗi đảo (các chấm xanh lá cây ở HSTS);
- (c) Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 HL từ lãnh thổ khác với HSTS (vùng trong phạm vi “Approximate 200 nm limit” dọc bờ biển Việt Nam);
- (d) Thềm lục địa (TLĐ) từ lãnh thổ khác với HSTS (hiện nay chúng ta chưa biết Việt Nam sẽ đòi hỏi gì và Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa sẽ chấp nhận gì).
Bản đồ 2: Lãnh hải 12 HL của HSTS và EEZ 200 HL từ những vùng lãnh thổ khác
Có người hiểu lầm là chủ trương của tôi là giải pháp chia Biển Đông theo đường trung tuyến trong sách Sharing the Resources of the South China Sea, xuất bản năm 1997.
Thật ra chủ trương của tôi dựa dựa trên hai nguyên tắc:
- Các đảo HSTS chỉ được 12 HL: nguyên tắc này là điểm (b);
- Tuân thủ UNLOS: nguyên tắc này dẫn đến điểm (c) và (d).
Hai nguyên tắc này đã được luật sư Mỹ Brice Clagett áp dụng cho Biển Đông vào năm 1995 trên tạp chí quốc tế Oil & Gas Law and Taxation Review.
Điểm (b) và (c) được áp dụng trong một bản đồ chia Biển Đông của Department of State Mỹ, được đăng lại trên một ấn phẩm của International Boundary Research Unit, ĐH Durham, Anh, vào năm 1996.
Tức là chủ trương của tôi không phải là giải pháp chia Biển Đông theo đường trung tuyến của Valencia, mà dựa trên những nguyên tắc khác và có trước giải pháp chia Biển Đông theo đường trung tuyến của Valencia.
Việc giải quyết (c) và (d) trước hay song song với (a), thay vì sau (a), là hệ quả tất nhiên của cách tách vấn đề ra thành (a), (b), (c), (d).
1.2. Quan điểm của Trương Nhân Tuấn
Theo tôi hiểu, ông Trương Nhân Tuấn muốn Việt Nam giành được/giữ được:
- (e) Chủ quyền đối với các đảo HSTS;
- (f) Các đảo HS, TS được đầy đủ EEZ, thềm lục địa, eg, EEZ 200 HL từ HS, TS, hay tới trung tuyến giữa HS, TS và các vùng lãnh thổ khác;
- (g) EEZ 200 HL từ lãnh thổ khác với HSTS;
- (h) Thềm lục địa từ lãnh thổ khác với HSTS.
Như vậy đại khái Việt Nam sẽ có một cái “lưỡi bò liếm ngang” từ bờ biển Việt Nam tới sát bờ biển Philippines, Malaysia và Brunei (tới trung tuyến giữa TS và các nước này).
Trên thực tế nhiều người cũng có quan điểm này - đối với những người không quan tâm nhiều về UNCLOS thì quan điểm đó ở dạng mơ hồ kiểu “vùng biển HS, TS là của Việt Nam”.
Lưu ý là (a) không khác gì (e):
- Tôi không đề nghị nhường đảo cho các nước khác;
- Tôi không bao giờ nói không cần bảo vệ chủ quyền đối với HSTS;
- Ngược lại, trong một bài của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông trên VNN[2] chúng tôi nói, “Song song với việc thực hiện những mục đích này, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cố gắng bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông một cách triệt để.”
Chỉ có (b) khác (f).
2. Khía cạnh pháp lý của sự khác biệt b-f
Theo UNCLOS:
- “Đảo” được hưởng quy chế EEZ 200 HL và TLD;
- “Đá” không tự có đủ điều kiện cho sự cư trú và đời sống kinh tế riêng không được hưởng quy chế EEZ 200 HL và TLD.
Nhưng UNCLOS không quy định thế nào là “điều kiện cho sự cư trú” và “đời sống kinh tế riêng”. Điều này dẫn tới nhiều tranh cãi.
Quan trọng không kém, UNCLOS quy định là nếu có tranh chấp do chồng lấn thì các bên tranh chấp phải giải quyết một cách công bằng.
Nhưng UNCLOS lại không quy định thế nào là “công bằng”.
Trên thực tế, mỗi khi tranh chấp được đưa ra Toà án Công lý Quốc tế thì Toà sẽ quyết định thế nào là công bằng. Để phán quyết, Toà sẽ dùng những luật có thể áp dụng cho tranh chấp, eg, các công ước, customary laws, các án lệ, và khi cần thì diễn giải dựa trên tập quán ngoại giao.
Điểm quan trọng ở đây là muốn biết, trong trường hợp chồng lấn, đảo được bao nhiêu EEZ và TLD mới công bằng thì phải thảm khảo các tiền án của Toà và tham khảo các thoả thuận giữa các nước. Những yêu sách đơn phương không phải là chuẩn mực cho sự công bằng mà UNCLOS đòi hỏi.
Tôi đã đưa ra 1 số dẫn chứng tại sao (b) phù hợp với luật quốc tế và tập quán ngoại giao hơn (f) như sau.
2.1. Trong bài “Chủ quyền Việt Nam ở vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, Vũng Mây”[3]
Tôi và ông Lê Minh Phiếu đưa ra 3 dẫn chứng: các phiên toà Lybia/Malta, Vịnh Maine và Guniea/Guniea-Bissau.
Ông Trương Nhân Tuấn nói, “các bằng chứng này không đúng với sự thật” và “Tác giả Dương Danh Huy đưa chứng từ sai - một lỗi học thuật rất nặng”[4].
Tôi có thể đi vào chi tiết cụ thể, nhưng tạm nói là 3 dẫn chứng đó được luật sư Mỹ Brice Clagett dùng trong bài viết về vùng Thanh Long (thuộc Nam Côn Sơn), Tư Chính. Ai có nhu cầu thì có thể đọc bài của Brice Clagett trên tạp chí quốc tế Oil & Gas Law and Taxation Review 1955.
Brice Clagett là một luật sư tài ba của Mỹ chuyên về tranh chấp quốc tế[5]. Ông đã từng giúp Campuchia thắng đền thờ Preah Vihear trong phiên toà quốc tế với Thái Lan. Bài viết của ông được đăng trên tạp chí học thuật quốc tế và được nhiều bài viết khác trên các tạp chí học thuật quốc tế trích dẫn.
Khi ông Trương Nhân Tuấn nói, “các bằng chứng này không đúng với sự thật” và “Tác giả Dương Danh Huy đưa chứng từ sai - một lỗi học thuật rất nặng”, thì tôi tạm nói là tôi tin tưởng vào bài của LS Brice Clagett hơn.
2.2. Trong bài “Tranh chấp Biển Đông và vai trò của LHQ”[6]
Tôi và các tác giả đưa ra một dẫn chứng ngoại giao (ranh giới thềm lục địa giữa Italy và Tunisia) và một dẫn chứng phán quyết của Toà quốc tế (ranh giới thềm lục địa giữa Anh và Pháp).
Trong hai trường hợp này, những đảo lớn tới 83 km² (Pantelleria của Ý) hay 78 km² (Guernsey của Anh) cũng chỉ được 12 tới 13 HL trong việc phân định thềm lục địa.
Như vậy thì Việt Nam khó có thể đòi được EEZ 200 HL cho các đảo HS (mỗi đảo dưới 2.5 km²) hay TS (mỗi đảo dưới 0.5 km²).
Bản đồ 3: Ranh giới thềm lục địa Italy-Tunisia được hoạch định qua đàm phán
Bản đồ 4: Phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế về ranh giới thềm lục địa Anh-Pháp
Ngược lại, nếu Trung Quốc đòi EEZ 200 HL cho các đảo HSTS thì đòi hỏi đó cũng không phù hợp với luật quốc tế và tập quán ngoại giao.
Nếu Trung Quốc đòi hỏi như thế để lấn vào EEZ hay TLD từ lãnh thổ khác của Việt Nam thì chúng ta phải nêu lên sự không phù hợp đó. Như vậy sẽ thuyết phục với thế giới hơn là nói “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, vì các nước ngoài tranh chấp có quan điểm trung lập về HSTS là của nước nào.
Thêm nữa, cũng trong bài “Tranh chấp Biển Đông và vai trò của LHQ”, Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đưa ra ý kiến là yêu cầu Toà án Công lý Quốc tế ban một Ý kiến Tư vấn xác định là các đảo HSTS được bao nhiêu HL (hay là các nước trong tranh chấp thoả thuận với nhau là bao nhiêu HL). Như vậy sẽ hợp lý nhất, thuyết phục nhất, công bằng nhất, dù là Ý kiến Tư vấn của Toà là 12 HL hay 24, 48, 96, 200, v.v…
2.3. Tản mạn khía cạnh pháp lý
2.3.1. Rockall
Ông Trương Nhân Tuấn đưa hòn Rockall ra để ủng hộ quan điểm EEZ 200 HL cho các đảo nhỏ.
Khi Anh tuyên bố đơn phương EEZ 200 HL cho Rockall thì cả 3 nước lân cận (Ireland, Iceland, Denmark) đều không công nhận. Tỷ lệ “không công nhận”/”công nhận” là 3/1.
Tới năm 1997, Anh rút lại tất cả đòi hỏI EEZ và TLD dựa trên Rockall. Ranh giới TLD của Anh được tính từ các đảo khác của Scotland, không tính tới Rockall. Rockall hoàn toàn không có hiệu lực trong việc tính EEZ hay TLD[7]. Tức là nếu tuân thủ UNCLOS thì tỷ lệ “không công nhận”/”công nhận” là 4/0.
2.3.2. Vụ BP và Exxon
Đảo Trường Sa có diện tích dưới 0.25 km². Như vậy, nếu cho là đảo Trường Sa có EEZ 200 HL và TLD để chồng lấn lên vùng Tư Chính thì vô lý, để chồng lấn lên các lô 5.2, 5.3 thì cũng không có lý hơn.
Cũng xin nói thêm là khi Trung Quốc áp lực BP rút ra khỏi vùng Nam Côn Sơn vào năm 2007 thì (theo tôi nhớ) Bộ Ngoại giao Việt Nam, qua ông Lê Dũng, không đề cập tới lý lẽ trên mà chỉ tuyên bố như thường lệ là Việt Nam có đầy đủ lý lẽ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Khi Trung Quốc áp lực Exxon không được hợp tác với Việt Nam vào năm 2008 thì Bộ Ngoại giao Việt Nam, qua Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, mới nói là vùng hợp tác nằm trong vùng EEZ 200 HL của Việt Nam.
Ông Trương Nhân Tuấn khẳng định rằng BP và Exxon rút lui là vì các công ty này cho rằng lý lẽ chủ quyền của Trung Quốc hợp lý. Có vẻ ông Trương Nhân Tuấn cũng cho rằng đó là lỗi của lý lẽ rằng các lô 5.2, 5.3 và Tư Chính thuộc về lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam, không liên quan tới TS[8]:
Nhưng thái độ của BP và ExxonMobil, dầu sao cũng là các tập đoàn khai thác dầu khí lớn nhất nhì thế giới của Anh và Hoa Kỳ, họ chỉ nhưọng bộ nếu các lý lẽ phía Trung Quốc là hợp lý.
Đây là hậu quả của một sự sơ suất to lớn, phía Việt Nam dường như không hề màng đến các lý lẽ của Trung Quốc, sai lầm kéo dài từ năm 1958 đến nay.
Tôi cho rằng khẳng định như vậy là sai.
Thứ nhất, các nước ngoài tranh chấp và các công ty dầu khí có quan điểm trung lập về chủ quyền đối với HSTS, cho nên nếu Việt Nam tuyên bố rằng các lô 5.2, 5.3 và Tư Chính là của Việt Nam vì các vùng này thuộc về TS và TS là của Việt Nam, thì chẳng ai sẽ tin (vì quốc tế trung lập về TS).
Tuyên bố kiểu đó chỉ tạo cớ cho Trung Quôc tranh chấp nhiều biển Việt Nam thêm.
Thứ nhì, theo báo South China Morning Post thì Exxon tin tưởng vào lý lẽ chủ quyền của Việt Nam, nhưng họ không dám bỏ qua lời cảnh báo của Trung Quốc[9]:
The article, which cited “sources close to the U.S. firm”, said Chinese diplomats in Washington had made repeated verbal protests to Exxon Mobil executives in recent months, and warned them its future business interests on the mainland could be at risk.
The protests involve a preliminary co-operation agreement between state oil firm PetroVietnam and Exxon Mobil covering exploration in the South China Sea off Vietnam’s south and central coasts, the article said.
It did not state when the co-operation agreement was signed.
The report quoted the unnamed sources as saying Exxon Mobil was confident of Vietnam’s sovereign rights to the blocks it was exploring, but it could not dismiss China’s warnings out of hand.
Như vậy, có lẽ nếu cho rằng (khác với khẳng định) Exxon không dám tiến hành là vì Trung Quốc đe doạ quyền lợi thương mại của họ thì hợp lý hơn.
3. Khía cạnh chiến lược của sự khác biệt b-f
3.1. Về chủ trương (e) tới (h), tức là quan điểm của Trương Nhân Tuấn
Nếu thực hiện được (e) tới (h) thì quá tốt cho Việt Nam. Điều đó tương đương với Việt Nam thực hiện được một cái lưỡi bò liếm ngang từ bờ biển Việt Nam tới sát bờ biển Philippines, Malaysia và Brunei (tới trung tuyến giữa TS và các nước này). Nếu được vậy thì ai chẳng muốn. Tôi cũng sẵn sàng vứt hết Luật Biển để đổi lấy cái lưỡi bò liếm ngang đó.
Nhưng có khả thi không?
Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có sẽ bao giờ để cho Việt Nam thực hiện cái lưỡi bò đó không?
Đến thiên niên kỷ nào thì nước Việt Nam của chúng ta mới mạnh đủ để áp đặt cái lưỡi bò đó lên tất cả các nước này?
Có ai có thể đưa ra phương cách nào để áp đặt như vậy hay thuyết phục những nước này không?
Giả sử Việt Nam có chính phủ khác, đổi tên thành Cộng hoà Tư bản Chủ nghĩa Việt Nam, tuyên bố là hậu duệ của Việt Nam Cộng hoà thì cũng không thuyết phục được các nước kia về cái lưỡi bò liếm ngang, hay áp đặt được nó lên các nước này.
Tôi cho là chủ trương (e) tới (h) hoàn toàn không khả thi.
Ngược lại, theo đuổi cái lưỡi bò liếm ngang đó sẽ không bao giờ tới đích, và
- (a) Biển Đông sẽ trong tình hình tranh chấp “mãi”;
- (b) Việt Nam sẽ không bao giờ được các nước Đông Nam Á hay các nước ngoài tranh chấp ủng hộ.
Và Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình đó để chiếm dần chiếm mòn, cho tới khi dẫn tới diệt vong cho Việt Nam ở Biển Đông.
Khía cạnh ngoại giao đã được nhiều người nhắc tới. Nhưng nếu Việt Nam chủ trương cái lưỡi bò liếm ngang thì nước nào dại gì “ngoại giao” với ta để ta thực hiện cái lưỡi bò liếm ngang đó?
3.2. Về chủ trương (a) tới (d), tức là quan điểm của Dương Danh Huy
Tôi thấy nếu Việt Nam thực hiện được (a) tới (d) là phúc đức quá rồi. Tôi chỉ sợ là không được.
Nhiều người phê bình là (a) tới (d) không khả thi. Có thể là họ đúng. Nhưng nếu vậy thì từ chủ trương (e) tới (h), tức là cái lưỡi bò liếm ngang, có khả thi hơn chút nào không?
Nhiều người cho là tiếc nếu Việt Nam “bỏ” EEZ 200 HL “của” các đảo HSTS.
Nhưng hãy xem lại phần 2 của bài này và liệt kê những trường hợp khác.
Có thật là HSTS phải có EEZ 200 HL mới là công bằng không?
Nếu không phải thì tại sao lại tiếc cái không phải của mình?
Quan trọng hơn, tại sao vì tiếc cái không phải của mình mà để bị mất cái của mình? Có giống như người ham bắt bóng trăng phản chiếu dưới nước, để rơi tiền trong túi không?
Có lẽ nếu xin Ý kiến Tư vấn của Toà về HSTS được bao nhiêu hải lý, như Quỹ Nghiên cứu Biển Đông đề nghị, và yêu sách EEZ cho HSTS dựa trên Ý kiến Tư vấn đó thì sẽ vừa hợp lý nhất, vừa làm cho hết tiếc.
Trong ngoại giao phải có gì cho nhau. Tốt nhất là mỗi nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia giúp các nước khác trong nhóm này giành được những gì không phải của nước giúp. Chủ trương (a) tới (d) thực hiện được điều đó.
4. Cách tiếp cận sự khác biệt
Tôi thấy sự khác biệt ý kiến giữa tôi và ông Trương Nhân Tuấn cũng bình thường. Và có sự khác biệt thì cũng tốt.
Trong các bài viết HSTSBĐ tôi viết và viết chung trên báo chí và trên Minh Biện cho tới nay hoàn toàn không có bình luận về nhân phẩm hay các bài viết của ông Trương Nhân Tuấn. Tôi cho là điều đó không cần thiết. Chỉ có bài này bình luận về một số ý kiến trong các bài viết của ông ấy.
© 2009 Dương Danh Huy
© 2009 talawas blog
________________________________
[7] Clive R. Symmons, “Ireland and the Rockall Dispute: An Analysis of Recent Developments”, IBRU Boundary and Security Bulletin Spring, 1998,http://www.dur.ac.uk/resources/ibru/publications/full/bsb6-1_symmons.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét