Thư tịch cổ khẳng định Việt Nam cai quản Hoàng Sa
Hàng loạt tài liệu, thư tịch, sắc phong, châu bản... từ thế kỷ 18 đến thời vua Bảo Đại, được công bố trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa, đều chứng minh sự cai quản liên tục về mặt nhà nước của Việt Nam ở quần đảo này.
> Trưng bày bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa
Chỉ thị của Thái phó Tổng lý quản binh dân chư vụ thượng tướng công nhà Tây Sơn ngày 14/2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) với nội dung sai Cai đội Hoàng Sa cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các sứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba chở về kinh, tập trung nộp theo lệ. |
Văn bản phát hiện ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế với nội dung xử lý vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn (nay là làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ) và phường An Bằng (xã Vinh An) về việc tranh chấp một chiếc vỏ thuyền của đội Hoàng Sa dạt vào bờ biển giáp ranh giữa hai phường này. Văn bản cho thấy, năm 1760, dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) đã có cai đội Hoàng Sa chuyên trách quản lý và khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa. Bản gốc bằng chữ Hán được viết trên dấy dó. |
Tờ lệnh của họ Đặng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gồm bốn trang, dài 36cm, rộng 24cm và còn nguyên vẹn, ghi rõ ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), quan tỉnh Quảng Ngãi phái đội thuyền ba chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa. Theo giới nghiên cứu, tuy chỉ vỏn vẹn vài trang nhưng tờ lệnh này chứa đựng nhiều thông tin quý, nêu rõ danh tính, quê quán của từng binh thuyền vâng lệnh triều đình đi lính Hoàng Sa, không chỉ riêng huyện đảo Lý Sơn mà còn ở các vùng quê ven biển khác tại Quảng Ngãi. |
Mộc bản triều Nguyễn trong sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại Bộ công tâu lên triều đình nội dung: "Cương giới mặt biển ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu". |
Một trong hai bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng ngày 27/6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) gửi đến triều đình với nội dung vừa cứu hộ thành công thuyền buôn của Pháp đụng phải đá ngầm tại phía tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng). |
Tấu của Bộ Công ngày 13/7 năm Minh Mạng thứ 18 (1837) có nội dung: Lần đi Hoàng Sa này trở về, trừ bọn Kinh phái Thủy sư Suất đội Phạm Văn Biện, tỉnh phải hướng dẫn Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh, đà công Lưu Đức Trực... |
Tấu của Bộ Công ngày 21/6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) về việc thám sát và vẽ bản đồ ở Hoàng Sa. Bản tấu viết rằng những người được phái đi Hoàng Sa do Bộ ty Đỗ Mậu Thưởng và Thị vệ Lê Trọng Ba dẫn đầu và hướng dẫn viên Vũ Văn Hùng. Ông Hùng cho biết Hoàng Sa có tất cả 4 nơi cần khảo sát thì lần này đi được 3 nơi. |
Chỉ dụ số 10, ngày 29/2/1938 của vua Bảo Đại sáp nhập quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Quảng Ngãi vào tỉnh Thừa Thiên về phương diện hành chính. |
Tờ châu bản có chữ phê chuẩn bằng mực đỏ của vua Bảo Đại ngày 27/12, năm Bảo Đại thứ 13, tức ngày 03/2/1939 khẳng định sự tiếp tục quản lý hành chính cũng như việc đưa binh lính ra Hoàng Sa. |
Nguyễn Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét