Xem xét quá trình quy thuộc Nam Hải (Biển Đông) qua các bản đồ từ cuối đời nhà Thanh đến (Trung Hoa) Dân quốc (Phần 1) *
Tác giả: Nibelungen Schnecke Weinstock (tạm để tên tiếng Đức; tên theo bản gốc: 尼伯龙根·蜗藤)
Người dịch: Quốc Thanh
Trước thế kỉ 20
1) Trước tiên xin chia sẻ một tấm bản đồ thời Đại Thanh năm 1760. Tấm “Thanh Đại Nhất Thống Địa Đồ” này về cơ bản thuyết minh cương vực thời kì Đại Thanh. Theo hiển thị trên bản đồ thì cương giới phía nam của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam.
2) Đại Thanh Nhất Thống Thiên Hạ Toàn đồ (năm 1818) do Chu Tích Linh vẽ. (Từ “Địa đồ Trung Quốc”, Thư viện Đại học Hongkong, năm 2003). Bản đồ này là tấm bản đồ về cương giới quốc gia theo ý nghĩa hiện đại hiếm gặp trong số các bản đồ cũ của Trung Quốc. Toàn bộ khu vực sở thuộc và đường biên giới của Trung Quốc được viền màu đỏ. Thế là có thể nhìn trên tấm bản đồ này rất rõ đâu là lãnh thổ Trung Quốc, đâu không phải là lãnh thổ Trung Quốc. Kim Môn, Hạ Môn và đảo Hải Nam đều dùng màu đỏ vẽ liền với đại lục, còn Đài Loan và quần đảo Đan Sơn thì được khoanh tròn riêng bằng màu đỏ, để chứng tỏ là một phần của Trung Quốc. Trên bản đồ có xuất hiện hai cái tên Vạn Lý Trường Sa (万里长沙; tức Nam Sa theo cách gọi hiện giờ của Trung Quốc -ND) và Thiên Lý Thạch Đường (千里石塘; tức Tây Sa theo cách gọi hiện giờ của Trung Quốc -ND), nhưng những địa danh này cùng với Johor, Mãn Thích Gia (Anh: Strait of Malacca; Malai: Selat Melaka) vàSrivijaya…đều nằm ngoài cương giới lãnh thổ Trung Quốc. Tất nhiên, chúng ta còn có thể nhìn thấy được cả những hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi Quảng Đông như Nhai Sơn và Hổ Đầu Môn…không nằm ở ngoài cương giới lãnh thổ Trung Quốc.
3) Hải Quốc Đồ Chí (năm 1852)
“Hải Quốc Đồ Chí” là cuốn thư tịch địa lí thế giới do Ngụy Nguyên biên soạn. Trong cách diên đồ của các nước Đông Nam Dương (biển Đông Nam) ở sách này có xuất hiện các địa danh Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường. Một phần cuốn sách đã dẫn tấm bản đồ này làm chứng cứ cho chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa. Luận cứ này không thể xác lập được, bởi vì: 1) Tên bản đồ chỉ chính xác đây là bản đồ Đông Nam Á; 2) Trên bản đồ ngoài Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường còn có rất nhiều nước Đông Nam Á; 3) Trên bản đồ, hai nơi này bị nhiều nước Đông Nam Á vây quanh, thực sự là không nhìn thấy trên bản đồ có bất cứ kí hiệu gì mang ý nghĩa hai nơi này là thuộc Trung Quốc. Cho nên, tấm bản đồ này không hề nói rõ vị trí của Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường.
4) Quảng Đông Đồ năm 1866
Chính phủ Dân quốc luôn tuyên bố xét về lịch sử, các quần đảo ở Nam Hải là một phần của Quảng Đông. Vì thế, bản đồ Quảng Đông cũng có sự trợ giúp rất lớn trong việc biện minh sự thực. Quảng Đông Đồ năm 1866 là tập bản đồ chi tiết về khu vực Quảng Đông. Tập bản đồ này hiển thị đất thuộc Quảng Đông chỉ bao gồm Hải Nam và các đảo ngoài khơi Quảng Đông, thậm chí còn không bao gồm cả Đông Sa.
Hình dạng lãnh thổ Trung Quốc trên các bản đồ Trung Quốc trước năm 1900 về đại thể là chuẩn xác, còn các bản đồ ngoài biển thì hoàn toàn không có cách gì để so đọ được theo cách nhìn hiện đại. Lấy Hải Ngoại Đồ Chí của Ngụy Nguyên làm ví dụ, hầu như tất cả các nước và khu vực ở Đông Nam Á đều được vẽ không chuẩn xác. Điều này phản ánh Trung Quốc còn thiếu sự hiểu biết về Nam Hải. Sự hiểu biết về địa lí Nam Hải của Trung Quốc còn kém xa so với các nước Phương Tây. Khoảng tới thế kỉ 20 (không rõ năm cụ thể), các bản đồ liên quan tới Nam Hải do Trung Quốc xuất bản mới ăn nhập được với các nước, mới đi vào “hiện đại hóa”, đương nhiên là phỏng theo các thư tịch tư liệu do các nước nghiên cứu.
Thế kỉ 20
5) Đại Thanh Đế Quốc Toàn Đồ (năm 1905). Bản đồ này được lựa chọn từ “Trung Quốc Cổ Địa Đồ Trân Tập”, Nhà xuất bản bản đồ Tây An, năm 1995. Cương giới phía Nam của Trung Quốc trên bản đồ chỉ tới đảo Hải Nam.
6) Năm 1908, “Trung Quốc Cận Thế Dư Địa Đồ” do La Nhữ Nam biên soạn, đây là một bộ trước tác địa lí học đồ sộ của Trung gồm 8 tập 23 quyển. Có mấy điểm cần đặc biệt chú ý: 1) Trong bộ sách dành phần lớn chú trọng đề cập tới việc bảo vệ vùng biển của Trung Quốc, vì thế tác giả không được bỏ qua các nhân vật bảo vệ vùng biển; 2) Tác giả tỏ ra hiểu biết nhiều về địa lí Quảng Đông hơn; 3) Tác giả dành một phần lớn để giới thiệu địa lí học (Phương Tây), hiển nhiên là với sự góp sức của một số người nhất định có vốn học thuật hiện đại. Văn tự trong sách này viết rõ rằng cương giới phía nam của Trung Quốc là ở đầu mút nam đảo Hải Nam, dù là trên Trung Quốc Toàn Đồ hay trên Quảng Đông Địa Đồ cũng đều không tìm thấy có các đảo ở Nam Hải.
7) Nhị Thập Thế Kỉ Trung Ngoại Đại Địa Đồ (năm 1908). Trong tập bản đồ này, cương giới phía nam của Trung Quốc cũng chỉ tới đầu mút nam đảo Hải Nam. Ở bản đồ Châu Á trong tập bản đồ này hoàn toàn không thấy có đánh dấu các đảo ở Nam Hải. Còn phần lớn các bản đồ trên thế giới cùng thời kì ấy đều có đánh dấu các đảo ở Nam Hải nằm trong đó. Trái lại, quần đảo Andaman của Ấn Độ và quần đảo Natuna của Nam Hải lại đều có xuất hiện trên các bản đồ này. Tập bản đồ này gồm 2 quyền Thượng và Hạ, quyển Hạ là phần bản đồ thế giới, nhưng đáng tiếc là tôi không tìm được, nếu không thì sẽ có thể biết được Trung Quốc khi ấy đã vẽ Đông Nam Á ra sao.
8) Năm 1909, Quảng Đông Dư Địa Toàn Đồ. Tấm bản đồ này hết sức quan trọng. Đây là tấm bản đồ vẽ Tây Sa và Đông Sa vào trong lãnh thổ Trung Quốc sớm nhất trong số những bản đồ vào cuối triều Thanh mà tôi được thấy. Năm 1909, Lý Chuẩn tuyên bố chủ quyền đối với Tây Sa, đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố và thừa hành chủ quyền đối với Tây Sa kể từ thời cận đại. Bản đồ này phản ánh đầy đủ tiến trình lịch sử khi ấy. Trên bản đồ còn có cả Đông Sa. Đáng chú ý là, mặc dù tấm bản đồ này phản ánh ước muốn của Trung Quốc đối với lãnh thổ Nam Hải, nhưng trên bản đồ lại không thấy có các quần đảo Trung Sa và Nam Sa, điều này nói lên hai quần đảo này khi ấy vẫn chưa đi vào tầm ngắm của đế quốc Đại Thanh.
Xin tóm tắt, xét từ các bản đồ mà tôi đã sưu tập được, trước năm 1909, Trung Quốc không vẽ quần đảo Nam Sa với danh nghĩa là một phần của Trung Quốc hoặc tỉnh Quảng Đông vào trong bản đồ Trung Quốc. Năm 1909, sau chuyến đi tới Tây Sa của Lý Chuẩn, Tây Sa mới bắt đầu được chính quyền Trung Quốc và trong dân gian coi là một phần của Trung Quốc. Còn Nam Sa và Trung Sa thì vẫn chưa được bất cứ một bản đồ nào đưa vào trong lãnh thổ của Trung Quốc.
Nguồn: dddnibelungen.wordpress.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
–
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét